Chấn thương mắt là nguyên nhân hàng đầu gây mù mắt ở trẻ em, không những làm cho bé bị giảm, mất thị lực mà còn ảnh hưởng xấu về mặt thẩm mỹ và gây ra các rối loạn tâm lý về sau cho bé.
Các nguyên gây chấn thương mắt
Đa số nguyên nhân là do tai nạn, xảy ra khi bé ở nhà và trường học. Các bé dễ bị chấn thương mắt và đa chấn thương hơn người lớn do bé non nớt không lường trước được nguy hiểm nhưng lại hiếu động, thiếu kiểm soát. Các bé ở các nhóm tuổi khác nhau có các nguyên nhân gây chấn thương khác nhau:
- Bé dưới 3 tuổi dễ bị thương do móng tay của các anh chị, em hoặc cha mẹ, người trông trẻ, hoặc dao kéo,… quệt vào.
- Bé lớn hơn có thể tự gây chấn thương ở mắt do các vật sắc nhọn như đồ chơi, bút chì, mũi tên, đũa, gai, hòn đá... Hoặc do bé bị té khi chơi xích đu, trượt ở công viên và thường kéo theo chấn thương khác ở vùng đầu mặt.
- Các bé trai 6-10 tuổi hay bị chấn thương mắt nhất, bởi ở lứa tuổi này, bé thường hiếu động và tiếp cận với rất nhiều yếu tố nguy hiểm bên ngoài như chơi thể thao, chơi với thú vật nuôi, bị chim mổ, lưỡi câu cá móc vào,…
Làm thế nào để biết bé bị chấn thương mắt?
Nếu có người lớn ở bên cạnh khi xảy ra chấn thương thì việc xác định có chấn thương hay không cũng như nguyên nhân tương đối dễ và chính xác. Bé càng nhỏ, khả năng khai thác nguyên nhân chấn thương càng khó vì bé chưa nhận thức rõ ràng. Đối với những bé lớn, đôi khi vì sợ bị cha mẹ la mắng nên có thể không dám nói sự thật, vì vậy, cha mẹ cần hết sức nhẹ nhàng, kiên nhẫn khi yêu cầu bé tường thuật lại sự việc.
Cần làm gì khi bé bị chấn thương mắt?
Đối với những chấn thương cơ học (đụng chạm, va quệt, té đập, thú vật cắn,…): dùng gạc sạch băng mắt trước khi chuyển đến bệnh viện chuyên khoa mắt, tránh không cho bé dụi tay vào mắt để không làm tổn thương thêm hoặc làm “phòi” tổ chức trong mắt ra ngoài cũng như tránh làm bẩn mắt thêm.
Đối với các trường hợp bị hoá chất văng vào mắt (các chất axit như nước bình ắc-quy, các chất kiềm như cồn, xà phòng, vôi, dung dịch kiềm,…): rửa mắt cho bé bằng nước sạch càng nhiều càng tốt trước khi đưa bé đến bệnh viện. Cha mẹ có thể dùng nước máy, nước sôi để nguội, nước khoáng đóng chai, nước muối sinh lý pha sẵn để rửa mắt cho bé, tuyệt đối không được dùng các hoá chất trung hòa để rửa mắt.
Hậu quả của chấn thương mắt
Hậu quả của chấn thương mắt ở bé thường nặng nề hơn ở người lớn do cấu trúc mắt bé mỏng manh, phản ứng viêm mạnh hơn, sẹo nhiều hơn và quan trọng hơn là bé còn cả cuộc đời phía trước. Trừ các loại chấn thương nhẹ như trầy xước bên ngoài có thể lành hoàn toàn, hầu hết các chấn thương mắt đều để lại di chứng nặng nề.
Những di chứng như giác mạc (tròng đen) bị đục do sẹo, cườm nước (còn gọi là bệnh tăng nhãn áp), cườm khô (còn gọi là đục thuỷ tinh thể), chảy máu trong mắt (xuất huyết nội nhãn), rách võng mạc, bong võng mạc (lớp thần kinh mắt), teo dây thần kinh mắt,… đều làm cho bé bị giảm thị lực ít nhiều hoặc mù hoàn toàn.
Nếu bé bị chấn thương nặng có thể phải bỏ mắt. Đối với các bé dưới 8 tuổi, việc mất nhãn cầu sẽ làm cho sự phát triển của gương mặt không đều, gây biến dạng nửa mặt. Một số hiếm trường hợp mắt bên lành sẽ bị ảnh hưởng sau khi mắt bên kia bị bể từ nhiều tháng đến nhiều năm (gọi là nhãn viêm giao cảm), nếu không điều trị kịp thời và hiệu quả, bé sẽ bị mù cả 2 mắt.
Phòng ngừa chấn thương mắt
Hầu hết các nguyên nhân gây chấn thương mắt đều có thể phòng ngừa được nếu có sự giám sát và giáo dục của gia đình đối với các bé, ví dụ như nói với bé không được chơi vật nhọn, không chọc chó, mèo, chim chóc, không chơi các trò chơi nguy hiểm…
BS.CK2 Nguyễn Thị Hồng Phụng
BV Mắt TP.HCM