Ngạt nước là tai nạn thường gặp ở trẻ em, có thể xảy ra quanh năm, nhưng cao nhất vào mùa hè, từ tháng 6-9 hằng năm. Vậy làm cách nào để bảo vệ bé được an toàn trước dòng nước mát lành?
Lứa tuổi nào có nguy cơ ngạt nước cao?
Bất cứ ở lứa tuổi nào, bé đều có nguy cơ bị ngạt nước. Tuy nhiên, các bé chập chững biết đi (1-3 tuổi) là nhóm có nguy cơ cao hơn cả do đây là lứa tuổi hiếu động, thích tìm hiểu thế giới xung quanh nhưng lại không nhận thức được sự nguy hiểm khi tiếp cận với nước.
Ngạt nước gây hậu quả như thế nào?
Chìm lâu trong nước sẽ gây hậu quả cuối cùng là tổn thương não do thiếu oxy và có thể dẫn đến tử vong. Tình trạng thiếu oxy sẽ dẫn đến tổn thương não qua 2 giai đoạn:
- Trong 4 phút đầu: bé bị ngưng thở, nhưng có thể hồi phục hoàn toàn nếu được vớt lên và hồi sức kịp thời. Nguyên nhân là do khi chìm trong nước, bé thường nuốt nhiều nước vào bụng gây nôn ói. Tuy nhiên, mối nguy hiểm nhất là bé đã hít nhiều nước vào phổi, nước làm hư hại lớp màng trong của phế nang, làm phổi không thể trao đổi khí, dẫn đến tình trạng thiếu oxy máu.
- Sau 4 phút đầu: Nếu không được vớt lên kịp thời, tình trạng thiếu oxy máu tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não và tim.
Sai lầm cần tránh trong sơ cứu bé ngạt nước
- Cõng ngược bé trên lưng và chạy xa: Động tác sơ cứu này không cung cấp được dưỡng khí và sẽ làm kéo dài thời gian thiếu oxy não ở bé.
- Đốt rơm trên lu và lăn bé qua lại trên lu: Biện pháp này không những kéo dài thời gian thiếu oxy não ở bé mà còn có thể làm bé bị phỏng ở bụng và chân tay.
Sơ cứu ngạt nước đúng cách
- Nhanh chóng đưa bé ra khỏi mặt nước.
- Đặt bé nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.
- Cởi bỏ quần áo ướt.
- Nếu bé bất tỉnh, ngưng thở, ngưng tim hãy:
+ Thổi ngạt 2 cái miệng qua mũi miệng.
+ Ấn tim ngoài lồng ngực ở dưới xương ức.
+ Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỉ lệ 5/1 (bé dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (bé trên 8 tuổi).
- Nếu bé còn tự thở, hãy đặt nằm nghiêng bên để tránh hít chất nôn ói vào phổi.
- Giữ ấm cho bé và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất, vẫn tiếp tục các động tác cấp cứu trên đường di chuyển.
Đề phòng ngừa ngạt nước cho bé
Cha mẹ lưu ý trông chừng khi có con nhỏ, và luôn chú ý những điều sau:
- Luôn luôn trông chừng khi bé tắm.
- Không bao giờ bỏ bé một mình trong phòng tắm.
- Đổ hết nước ra khỏi bồn hoặc thau ngay sau khi tắm cho bé.
- Khi xung quanh nhà có ao hồ, sông rạch, nên để mắt không cho bé đến gần.
- Có thể cho bé học bơi khi lên 4 tuổi. Luôn cho bé sử dụng phao an toàn khi cho bé học bơi.
- Khi bé ở dưới nước (hồ bơi, tắm biển) bảo đảm rằng bé luôn trong tầm mắt của người lớn.
BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thoa
Trưởng khoa Nội tổng quát 1, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM)