Để giảm đau, hạ sốt cho bé, thuốc thường được dùng paracetamol. Nhưng cha mẹ cần lưu ý paracetamol không phải hoàn toàn vô hại, dùng quá liều có thể gây hại gan và đã có nhiều trường hợp bé bị ngộ độc paracetamol phải nhập viện.
Dùng thuốc hạ sốt nào?
Hiện có 2 loại thuốc hạ sốt chứa dược chất paracetamol. Một là thuốc chỉ chứa paracetamol, đây có thể xem là thuốc giảm đau hạ nhiệt thông thường. Loại thuốc thứ hai là thuốc phối hợp đến ba dược chất (paracetamol, thuốc kháng histamin trị dị ứng và thuốc có tác dụng co mạch, làm tan máu, chống xung huyết ở niêm mạc mũi, dùng để trị nghẹt mũi, sổ mũi). Đây là loại phải thật thận trọng trong sử dụng. Loại thuốc này có thể kể đến như Delcogen fort, Tiffy, Contac, Coldcap, Actifed,…
Đối với các bé còn quá nhỏ tuổi, cha mẹ cần tránh cho bé dùng thuốc hạ sốt có chứa chất co mạch chống xung huyết, thậm chí không được dùng thuốc nhỏ mũi có chứa chất co mạch để nhỏ mũi. Bởi thuốc không chỉ có tác dụng làm co mạch ở niêm mạc mũi mà còn có tác dụng gây co mạch ở các nơi khác như gan, tim, thận… Hơn nữa, cơ thể của các bé chưa phát triển hoàn chỉnh để có thể chấp nhận được tình trạng này. Nếu bé bị sốt, cha mẹ chỉ nên cho bé dùng paracetamol và nên dùng dạng thuốc lỏng, có mùi vị thơm ngon để bé dễ uống.
Lưu ý khi cho bé dùng paracetamol
Paracetamol chỉ trị triệu chứng sốt, do đó, khi sốt, được dùng thuốc, bé sẽ hết sốt nhưng hết thuốc, bé có thể sẽ sốt trở lại nếu nguyên nhân bệnh lý gây sốt vẫn còn. Vì vậy, cha mẹ chỉ cho bé dùng thuốc paracetamol trong 3-4 ngày, nếu bé sốt tái diễn hoặc tăng thêm, cha mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và cho hướng điều trị thích hợp.
Liều thông thường hạ sốt cho bé là 10-15mg/kg cân nặng, cách 4-6 lần uống 1 liều, và liều tối đa không quá 60mg/kg/ngày.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức
Đại học Y Dược TP.HCM