Tiêm chủng ngày nay không còn xa lạ với các bé. Nhưng tiêm loại vắc-xin nào, thời điểm nào, công dụng ra sao, tiêm bao nhiêu mũi và có tai biến gì sau khi tiêm không… luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc làm cha mẹ.
Nói đến tiêm chủng phải nói đến sự an toàn. An toàn trong tiêm chủng có rất nhiều vấn đề được đặt ra như chất lượng vắc-xin, dây chuyền lạnh (bảo quản, vận chuyển, phân phối vắc-xin), sử dụng bơm kim tiêm sạch, thực hành tiêm chủng an toàn và theo dõi phản ứng sau khi tiêm.
Tiêm chủng không an toàn có thể gây hại cho nhân viên y tế, cho cộng đồng và đặc biệt là cho các bé. Bé có thể bị nhiễm trùng (nhiễm trùng tại chỗ, áp-xe, nhiễm trùng huyết), nhiễm siêu vi (viêm gan B, viêm gan C, HIV). Sau tiêm chủng, nhiễm trùng là biến chứng thường gặp nhất nhưng phản ứng nặng nề và nguy hiểm nhất là sốc phản vệ (sốc thuốc), có thể dẫn đến tử vong.
Để đảm bảo an toàn khi tiêm chủng, bé cần được khám và đánh giá trước. Cha mẹ cần cung cấp cho nhân viên y tế các thông tin đầy đủ về tình hình sức khỏe của bé hiện tại cũng như trong quá khứ, nhất là khi bé đã có những biến chứng do tiêm chủng trong những lần tiêm ngừa trước đó. Sau đó, nhân viên y tế sẽ tham vấn cho cha mẹ biết bé có đáp ứng được tiêm chủng không, nên tiêm loại vắc-xin nào và phòng được bệnh gì. Đồng thời, nhân viên y tế cũng cho biết những phản ứng thông thường có thể xảy ra và cách xử trí.
Nếu bé sốt hay bị bệnh nhiễm trùng cấp tính sẽ được hoãn tiêm cho đến khi hết bệnh. Nếu bé có phản ứng mạnh với liều vắc-xin cùng loại đã tiêm trước đó sẽ không được tiêm loại vắc-xin đó nữa để đề phòng sốc phản vệ có thể xảy ra.
Ngay sau khi tiêm, bé phải ở lại cơ sở y tế để được theo dõi ít nhất 30 phút. Đây là khoảng thời gian rất quan trọng nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các phản ứng nặng, xuất hiện sớm và có thể gây tử vong cho bé sau tiêm chủng. Do đó, cha mẹ phải hết sức quan tâm đến những diễn tiến bất thường của bé trong vòng 30 phút này để kịp thời thông báo với nhân viên y tế.
Khi về nhà, bé có thể đau, sưng, nóng, đỏ tại nơi tiêm, sốt trên 380C hoặc đôi khi bé kích thích, khó chịu. Đây là những phản ứng bình thường, có thể điều trị khỏi. Nếu phản ứng kéo dài trên một ngày hay trở nên nghiêm trọng hơn như bé sốt cao, co giật hay có bất cứ biểu hiện khác thường (quấy khóc kéo dài, tím tái, khó thở, bỏ bú…), cha mẹ phải nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
PGS.TS.Bùi Quốc Thắng
Phó Trưởng bộ môn Hồi sức Cấp cứu
Giảng viên chính bộ môn Nhi ĐH Y Dược, TP. HCM