Hiện nay, tỷ lệ người mắc nhược thị ở Việt Nam ngày càng nhiều và có xu hướng gia tăng hơn nữa, nhất là ở trẻ em.
Nhược thị gây tác hại lớn cho bé
Từ khi sinh ra, đôi mắt của bé Bi, 3 tuổi (Diên Khánh, Khánh Hòa) đã không bình thường. Cha mẹ đã cho bé đi khám và được biết bé bị nhược thị nặng do lác. Sức nhìn của mắt bé rất kém, khiến bé gặp khó khăn trong giao tiếp và sinh hoạt. Bé hay va chạm và làm rơi vỡ đồ vật, đồng thời khó hòa nhập với các bạn cùng lớp.
Bé Quỳnh Anh (Long Biên, Hà Nội) năm nay 6 tuổi. Vừa bước vào lớp 1 được gần một tháng mà chiều nào đi học về, bé cũng kêu với mẹ là không nhìn rõ chữ trên bảng, mắt mờ. Để ý thêm thì mẹ Quỳnh Anh thấy mỗi lần học bài, bé thường cúi sát mặt xuống bàn, và xem ti vi thì ngồi rất gần. Sợ con bị cận thị, mẹ cho Quỳnh Anh đi khám thì được biết bé bị nhược thị. Bác sĩ giải thích, Quỳnh Anh bị cận thị đã lâu, nhưng do không được phát hiện và đeo kính nên mắt đã bị suy giảm, gây nhược thị.
Trên đây là 2 trong số rất nhiều trường hợp bé bị nhược thị. Nhược thị là tình trạng giảm thị lực ở một hoặc hai mắt do bất kỳ nguyên nhân nào xuất hiện trong giai đoạn nhạy cảm của quá trình phát triển thị giác, hoặc có sự khác biệt thị lực giữa hai mắt trên 2 dòng thị lực, dù đã được điều chỉnh kính tốt nhất hoặc điều trị được nguyên nhân. Nói một cách dễ hiểu, nhược thị là sự suy giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt mà không kèm theo tổn thương nhìn thấy được ở mắt
Nhiều nghiên cứu cho thấy thị lực hoàn chỉnh chỉ đạt đến khi bé lên 10 tuổi, nên giai đoạn nhạy cảm của quá trình phát triển thị giác có thể xem như kéo dài từ sau sinh đến 5 tuổi. Bất kỳ nguyên nhân nào xảy ra trong giai đoạn này đều có thể gây nhược thị và thời điểm xuất hiện càng sớm, ảnh hưởng càng nhiều thì khả năng bị nhược thị càng cao và càng trầm trọng.
Có nhiều nguyên nhân làm bé bị nhược thị, trong đó, lác mắt là nguyên nhân thường gặp nhất, đặc biệt là lác trong. Ngoài ra, việc bé mắc một số bệnh làm che khuất môi trường trong suốt của mắt như sụp mi nặng, sẹo giác mạc, đục thể thủy tinh bẩm sinh... cũng gây nhược thị. Bên cạnh đó, những bé bị tật khúc xạ nặng (cận thị, viễn thị, loạn thị) nhưng không được phát hiện và đeo kính sớm (như trường hợp của Quỳnh Anh) hoặc bé có khúc xạ hai mắt không đều nhau cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Nhược thị có thể đem đến nhiều tác hại cho bé, như àm ảnh hưởng đến học tập (đọc, viết chậm, học nhanh mệt, tiếp thu chậm, viết bài sai, hay nhức mắt…); ảnh hưởng đến sinh hoạt (hay bị va chạm, làm vỡ, đổ vật dụng, dễ bị té ngã, khó hòa nhập, không tự tin, tự kỷ…) và gây ảnh hưởng lâu dài làm cho mắt bị lé, thị lực bị giảm sút, thậm chí mù lòa.
Điều trị phức tạp nên phòng bệnh là quan trọng
Việc điều trị cho bé bị nhược thị cần phải điều trị nguyên nhân. Và thời điểm can thiệp càng sớm thì khả năng hồi phục của mắt nhược thị càng nhiều và càng cao.
Các trường hợp bị tật khúc xạ hoặc khúc xạ hai mắt không đều nhau cần phải được điều chỉnh phù hợp bằng kính gọng hoặc kính tiếp xúc. Trường hợp nguyên nhân gây che khuất môi trường trong suốt phải được xử lý hiệu quả, thường dựa vào phẫu thuật. Riêng trường hợp do lác thì việc điều trị nhược thị cần được tiến hành trước khi can thiệp phẫu thuật chỉnh lác.
Bước tiếp theo của quá trình điều trị là hạn chế sử dụng mắt lành (mắt không bị nhược thị), kích thích và tạo điều kiện cho mắt nhược thị được sử dụng để có thể phát triển thị giác bình thường.
Để hạn chế sử dụng mắt lành thì phương pháp hiệu quả nhất đặc biệt với bé nhỏ là bịt mắt: dán một miếng vải trực tiếp che mắt, dán băng che lên trên mắt kính, sử dụng kính tiếp xúc mờ hoặc đục.
Ngoài ra, có thể dùng phương pháp gia phạt (làm mờ hình ảnh mắt lành bằng cách dùng thuốc hoặc bằng kính.
Để khích thích sử dụng mắt nhược thị, có thể sử dụng các phương pháp như cho bé xâu hạt cườm, tập đồ hình, tập trên máy và trên hệ thống máy tính...
Nhược thị do nhiều nguyên nhân và là hậu quả của nhiều bệnh về mắt khác. Do đó, để phòng bệnh cho bé, cha mẹ cần phát hiện sớm và cho bé đi khám ngay khi thấy bé có các biểu hiện như nheo mắt, nhức mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn,… Bé cũng cần được kiểm tra thị lực định kỳ.
ThS. BS. Trần Thu Hà
Khoa Mắt trẻ em – Bệnh viện Mắt Trung ương