Cẩn thận với nước hồ bơi

Mùa hè đến, bé rất thích được đi bơi. Trong hồ nước mát rượi, bé tha hồ vùng vẫy, vui đùa. Tuy nhiên, cha mẹ cần biết rằng mùa hè là mùa dịch bệnh lây truyền rất nhanh và nước hồ bơi là một trong những môi trường lý tưởng để vi khuẩn gây bệnh lan truyền.

 


Nhiễm bệnh từ hồ bơi

Nước hồ bơi có tiêu chuẩn, nhưng tiêu chuẩn này chỉ được bảo đảm vào những ngày đầu khi mới thay nước, vào các ngày sau thì rất khó đảm bảo giữ được các tiêu chuẩn này, nhất là khi hồ bơi đông người.
 
Nước nhiễm khuẩn sẽ lọt vào tai, mũi, họng của bé, khiến bé bị nhiễm những bệnh lý nguy hiểm. Đặc biệt, với những bé đang có bệnh lý vùng tai, mũi, họng, nếu bị nước nhiễm khuẩn xâm nhập vào sẽ làm nặng hơn các bệnh sẵn có và gây ra những biến chứng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
 
Tai: Phía trên tai là sọ não, phía trong tai thông với mũi, họng. Vi khuẩn xâm nhập vào tai giữa theo hai đường: đường từ ngoài vào qua lỗ thủng màng nhĩ, đường từ họng mũi đi lên. Sau khi vào tai giữa, vi khuẩn sẽ sinh mủ, mủ sẽ hủy hoại niêm mạc tai giữa, hủy hoại xương chũm, gây viêm tai giữa mủ, viêm tai xương chũm, rồi lan qua những chỗ xương bị hủy vào màng não, vào não bộ, gây ra viêm não - màng não, có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
 
Mũi xoang: Xoang ở hai bên hốc mắt và có những xoang chạy dài sát sàn sọ, do đó, nếu nước hồ bơi vào mũi, vào xoang rồi không ra được, nhất là với những bé có bệnh lý mũi xoang, sẽ là môi trường tốt cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở và tạo mủ, gây viêm mũi xoang mủ. Và rồi cũng theo quy trình như khi viêm tai, vi khuẩn lan ra hốc mắt, lan vào sọ não gây mù mắt, viêm não màng não. Ngoài ra, vi trùng có thể ngấm vào máu, gây nhiễm trùng huyết, làm bệnh nhân tử vong.
 
Họng: Vi trùng vào họng sẽ gây viêm họng, tuy nhiên viêm họng được điều trị dễ dàng hơn, vì thông thường bệnh được phát hiện sớm.

 

 
Vệ sinh khi đi bơi để bảo vệ sức khỏe

Trong nước hồ bơi có rất nhiều loại vi khuẩn, vì tất cả những loại vi khuẩn mà người mang mầm bệnh mang theo khi đi bơi đều có thể hiện diện trong nước hồ bơi. Vì thế, chúng ta không lường trước được sẽ bị nhiễm loại vi khuẩn gì. Để bảo vệ bé an toàn, cha mẹ nên cho bé tắm lại nước sạch ngay sau khi bơi. Ngoài ra, bé cũng cần được vệ sinh mắt, tai, mũi, họng bằng nước muối sinh lý sau khi bơi.
 
Đối với những bé bị bệnh viêm tai giữa thủng nhĩ, viêm mũi dị ứng, hay có tiền sử viêm mũi xoang tái phát nhiều lần, cha mẹ không nên cho bé bơi lội nếu không có đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ. Đặc biệt, nếu bé đang trong giai đoạn điều trị bệnh thì tuyệt đối không được bơi lội.
 
BS Đặng Hoàng Sơn
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM)

Bài viết liên quan

0932221090