Khi bé có những chiếc răng sữa đầu tiên cũng là lúc các bậc cha mẹ nên nghĩ đến việc mua “đồ chơi” cho bé: một cái bàn chải đánh răng.
Lần đầu chọn bàn chải cho bé, thật ra không có gì là ầm ĩ, cứ vào siêu thị, hay tiệm tạp hóa gần nhà, mua về cái bàn chải nào “xanh xanh đỏ đỏ…cho em nhỏ nó mừng”, còn việc bé chải răng có sạch hay không sẽ tính sau. Đây cũng là khoảng thời gian mà người lớn cần thể hiện sự kiên nhẫn trong vai “người cùng chơi” với bé.
Cho đến khi bé được 2,5 hoặc 3 tuổi (lúc hàm trên và dưới được tổng cộng 20 răng), chúng ta mới nhìn thấy được kết quả: bé đã sở hữu được một thói quen tốt, biết tự chải răng sau mỗi bữa ăn và buổi tối trước khi đi ngủ, và bàn chải cũng đã trở nên một người bạn thân quen với bé tự lúc nào.
Bàn chải dành cho các bé luôn là một sản phẩm thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa 2 phần: trong miệng (đầu bàn chải) và phần ngoài miệng (cán bàn chải). Phần trong miệng dành cho các chuyên gia về lĩnh vực răng hàm mặt, phần ngoài miệng dành cho các nhà thiết kế, tạo mẫu nghệ thuật và giải trí, nên lúc mua bàn chải cho bé, người lớn thường quan tâm nhiều ở đầu bàn chải, còn bé thì thích chọn cho mình bàn chải đánh răng từ... cái cán!?
Nhưng dù sao, khi chọn bàn chải cho bé, mẹ cũng cần chú ý đến những đặc điểm dưới đây, nhằm tránh cho bé có thể bị tổn thương nếu phải chải răng với một bàn chải có các túm lông quá cứng hoặc đầu bàn chải có kích thước to so với miệng bé.
Số túm lông gắn theo chiều ngang thường có 3 hàng (để phủ hết mặt nhai các răng cối), và chiều dài có từ 8 đến 10 hàng (đủ để phủ hết 3 răng liền kề nhau khi áp vào mặt ngoài, mặt trong của răng), nên chọn loại sợi cước mềm mại, đầu sợi cước không sắc nhọn và có chiều cao bằng nhau.
Có loại bàn chải phần đầu và cán tiếp nối nhau ở dạng thẳng hoặc gập góc, đặc điểm này không quan trọng bằng kích cỡ của bàn chải cần phù hợp với hình thể cung hàm của trẻ (đang phát triển theo độ tuổi), và cũng đừng quên nghĩ đến miệng bé thuộc loại to (rộng) hay nhỏ.
Trường hợp nướu răng của bé đã và đang bị sưng đỏ, chảy máu và đau nhức, cần đưa bé đi khám và điều trị. Lúc này, mẹ sẽ nhận được ý kiến của bác sĩ răng hàm mặt về việc sử dụng loại bàn chải và cách chải răng như thế nào, nhằm duy trì việc vệ sinh răng miệng hằng ngày cho bé.
BS.RHM Nguyễn Bá Hiền
ĐH Y Dược TP.HCM