Nếu chuyện sinh hoạt nói chung và ăn uống nói riêng của bé bị xáo trộn, khiến hệ tiêu hóa vốn non nớt của bé thêm yếu, sẽ gây nên rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, càng vào những ngày Tết, cha mẹ càng nên để ý chăm sóc bé nhiều hơn.
Muôn hình vạn trạng các triệu chứng rối loạn tiêu hóa
Dịp Tết năm ngoái, khoa chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi đến khám, cấp cứu với những triệu chứng điển hình của rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy (đi ngoài phân lỏng, thậm chí có nước trên 3 lần/ngày), táo bón (phân cứng hoặc quá to, có trường hợp rách cả hậu môn), phân sống (phân lổn nhổn, thức ăn lẫn trong phân), đau bụng (đau thắt, đau quặn từng cơn) đầy, trướng bụng (không có cảm giác đói sau một thời gian dài không ăn), nôn và buồn nôn... Có bé vì còn nhỏ, chưa biết nói nên quấy khóc, bỏ ăn, ưỡn bụng… Và cả nhiều trường hợp vì không được đưa đến cấp cứu kịp thời nên việc điều trị gặp phải rất nhiều khó khăn, đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Tùy từng bệnh và từng lứa tuổi mà từng bé có các triệu chứng khác nhau. Vì vậy, nếu thấy bé có 1 hoặc nhiều hơn 1 các biểu hiện như trên, cha mẹ cần khẩn trương đưa bé đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Làm gì để bé có hệ tiêu hóa khỏe mạnh trong ngày Tết?
Để bé không mắc các bệnh về đường tiêu hóa trong những ngày Tết, cha mẹ cần chú ý:
- Cung cấp đầy đủ, cân đối dưỡng chất trong chế độ ăn của bé, đảm bảo dinh dưỡng của bé không khác nhiều với ngày thường. Những thực phẩm nhiều đạm, đường, chất béo… hạn chế cho bé ăn. Bổ sung nhiều nước, rau xanh và trái cây trong khẩu phần ăn của bé. Có thể cho bé ăn sữa chua nếu trẻ thích.
- Thức ăn cho bé phải đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh, có nguồn gốc rõ ràng, không cho bé ăn thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm dự trữ quá lâu.
- Rửa tay cho bé trước và sau khi ăn, sau khi bé đi vệ sinh. Khi chăm sóc bé, cha mẹ cũng cần rửa tay sạch sẽ, nhất là khi chế biến thức ăn cho bé và cho bé ăn. Dụng cụ chế biến thức ăn và đồ dùng cho bé phải đảm bảo vệ sinh, không nhiễm khuẩn.
- Đối với bé còn đang bú mẹ thì sữa mẹ vẫn là thức ăn hoàn hảo giúp ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa. Để có nguồn sữa tốt nhất cho bé, mẹ nên ăn uống đầy đủ, cân đối, đúng bữa, không lạm dụng những loại thức ăn chế biến sẵn, thức ăn ngọt, uống đủ nước…
- Thực hiện “ăn chín – uống sôi”.
Chúc cả gia đình có những ngày Tết thật vui, khỏe!
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng
Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai