Nếu có những lo âu về tốc độ mọc răng, về hình thể, màu sắc cũng như vị trí của từng chiếc răng trong miệng bé, hãy đưa bé đi khám răng từ khi bé có được những chiếc răng sữa đầu tiên.
Mầm răng sữa được hình thành rất sớm, từ tuần lễ thứ 6 - 8 ở giai đoạn phôi thai, và tháng thứ 6 sau khi sinh thì mầm răng vĩnh viễn cũng đã hình thành xong, nằm sẵn trong xương hàm chờ thời điểm “xuất đầu lộ diện”. Chưa hết, 20 chiếc răng sữa sẽ lần lượt được thay thế bằng các răng vĩnh viễn, và chiếc răng sữa cuối cùng hoàn thành nhiệm vụ khi bé 12 - 13 tuổi.
Sáu tháng tuổi, bé mọc những chiếc răng sữa đầu tiên, răng hàm dưới thường mọc trước hàm trên, đồng hành với hiện tượng cơ sinh học này là những biểu hiện như: chảy nước miếng nhiều, sốt nhẹ, đi tướt, quấy khóc, bỏ bú…
Nếu cảm xúc khó tả là niềm vui của cha mẹ khi phát hiện con mình có chiếc răng sữa đầu tiên thì khi chiếc răng này lung lay sắp rụng đi, hay nó đã được nhổ một thời gian khá lâu rồi mà chưa thấy “hồi âm” của răng vĩnh viễn lại là nỗi lo âu của cha mẹ.
Về phương diện mô sinh học, sự xuất hiện của những chiếc răng sữa khi bé được khoảng 6 tháng tuổi thật ra chỉ là một giai đoạn trong tiến trình liên tục suốt đời của răng. Các xáo trộn, biến đổi về biến dưỡng sinh học ở mỗi giai đoạn sẽ đưa đến những bất thường của răng, như về kích thước, số lượng của răng, chất lượng của men và ngà răng, về hình thể và màu sắc của răng. Điều này cho thấy có sự “lệch pha” giữa sự hình thành, tăng trưởng và phát triển ở hệ răng sữa và hệ răng vĩnh viễn, cho nên đừng vội bi quan khi thấy bé có bộ răng sữa không giống ai mà vội nghĩ rằng rồi đây răng vĩnh viễn cũng sẽ như vậy? Ngược lại, cũng có mẹ khi đưa con đi khám răng, lúc trao đổi với bác sĩ nha khoa lại tiếc rẻ: “…lúc còn răng sữa, hàm răng bé rất xinh, đều đặn, từ khi thay mấy cái răng cửa… sao thấy kỳ quá?”.
Răng sữa rụng từ lâu, chụp X quang không thấy mầm răng vĩnh viễn mới là điều đáng quan tâm, còn khái niệm về mọc sớm, mọc chậm của răng vĩnh viễn chỉ có tính tham khảo, vì tốc độ mọc của răng vĩnh viễn, ngoài yếu tố di truyền, môi trường sống, còn phải xem xét đến: thời gian bé bị mất răng sữa, sự phát triển của chân răng và bề dày của lớp xương bên trên.
Một vài công trình nghiên cứu về mọc răng cho chúng ta một vài kết quả thú vị: bé gầy mọc sớm hơn bé mập, số bé thuận tay phải mọc răng đầu tiên là răng cửa giữa hàm dưới bên trái và phái nữ mọc sớm hơn phái nam.
Như vậy, mọc và thay răng là hiện tượng sinh học bình thường. Do đó, nếu có những lo âu về tốc độ mọc răng, về hình thể, màu sắc cũng như vị trí của từng chiếc răng trong miệng bé, hãy đưa bé đi khám răng từ khi bé có được những chiếc răng sữa đầu tiên để nha sĩ chăm sóc răng cho bé, là người có thể nhìn thấy trước được rằng cuộc hành trình mọc và thay răng ở bé có ít nhiều bất trắc hay không?
BS.CK1 Nguyễn Bá Hiền
GV Bộ môn Răng trẻ em, khoa Răng Hàm Mặt, trường ĐH Y dược TP.HCM