Nếu cho bé uống kháng sinh tùy tiện có thể dẫn đến “nhờn” thuốc, kháng thuốc làm phát sinh nhiều tật bệnh mới, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh nặng hơn vì kháng sinh
Bé Hoàng (4 tuổi, Quận 5, TP. HCM) mỗi khi “trở trời” là hắt hơi, sổ mũi. Mỗi lần như vậy, chị Mai, mẹ của bé lại cho uống mấy viên “pi” (kháng sinh) phòng ngừa để không bị viêm họng.
Một đợt khác, Hoàng bị viêm amidan, sưng to, sốt cao, nôn nhiều phải đi bệnh viện điều trị. Do đã từng dùng kháng sinh nhiều nên bé bị nhờn thuốc khiến các bác sĩ phải thử nhiều phác đồ mới điều trị dứt bệnh cho Hoàng.
Có rất nhiều trường hợp bé kháng thuốc, nhờn thuốc do tùy tiện dùng kháng sinh, như trường hợp bé Phúc, 5 tuổi (Tương Mai, Hà Nội). Bé chỉ sốt nhẹ và ho nhiều, mẹ bé vội vàng mua thuốc kháng sinh chữa viêm họng. Dùng kháng sinh kéo dài trong 5 ngày, Phúc không đỡ bệnh mà ngày càng ho nặng hơn, lại thêm tiêu chảy, sút cân. Vào viện, ngoài điều trị triệu chứng, các bác sĩ phải truyền dịch cho bé vì bé quá mệt, không chịu ăn. “Bác sĩ bảo bé bị viêm họng do virus nên chỉ cho dùng hạ sốt, giảm đau; bệnh nhiễm khuẩn hô hấp của bé chỉ khoảng 7 - 10 ngày là khỏi, chứ không mất hàng tháng trời điều trị và hồi sức như bây giờ”, mẹ bé than thở.
Nguyên tắc 3Đ
Theo BS.CK2 Vũ Hữu Hùng - Trưởng khoa Nhi, BV Thủ Đức (TP.HCM), vào thời điểm giao mùa, bé thường mắc những căn bệnh như cảm sốt, viêm họng, ho, đau đầu… do nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn là do vi-rút, một phần nhỏ hơn là do vi khuẩn. Đáng chú ý, việc sử dụng kháng sinh chỉ có tác dụng với những trường hợp viêm họng do vi khuẩn, trong khi có đến 80% bệnh nhân viêm họng là do vi-rút và viêm họng mãn tính thì dùng kháng sinh không có tác dụng. Vì vậy, khi bé bị viêm họng mà có các biểu hiện như viêm kết mạc, chảy nước mũi, ho, tiêu chảy… cha mẹ không nên quá lo lắng, không nên tự ý mua kháng sinh cho bé uống. Tốt nhất chỉ cho bé uống thuốc hạ sốt, bổ sung vitamin, uống thuốc ho nếu ho quá nhiều, đồng thời cho bé uống nhiều nước trong ngày, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nên ăn thức ăn loãng, dễ tiêu như cháo, sữa, súp. Nếu bé sốt cao, mệt mỏi, chán ăn, sưng đau hạch cổ, xương khớp, nổi xuất huyết… cần đưa bé đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị đúng bệnh.
Theo bác sĩ Hùng, khi sử dụng thuốc kháng sinh, người bệnh cần tôn trọng nguyên tắc 3Đ: đúng (thuốc), đủ (liều lượng), đều (phân liều đều đặn trong 24 giờ để duy trì nồng độ kháng sinh trong máu). Việc dùng kháng sinh một cách tùy tiện sẽ dẫn đến những tác hại vô cùng nguy hiểm. Chẳng hạn, có những chất kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến thính giác, thậm chí gây điếc; có những chất kháng sinh gây hại cho thận, nếu dùng cho bệnh nhân thận sẽ khiến bệnh nặng thêm; có những chất kháng sinh gây dị ứng…
Kháng sinh có thể gây ra nhiều phản ứng có hại nếu không được dùng đúng cách, như:
- Penicillin, Streptomycin: Nguy hiểm nhất là sốc phản vệ. Nếu dùng trong một thời gian dài, Streptomycin có thể gây điếc cho bệnh nhân.
- Chloramphanicol: Nếu dùng tùy tiện, có thể gây suy tuỷ, ngộ độc hoặc gây ra hội chứng xanh tái ở bé sơ sinh.
- Lincocin: Có thể gây tiêu chảy trầm trọng.
- Tetracilin: Gây rối loạn tiêu hoá. Không dùng cho phụ nữ mang thai và bé dưới 8 tuổi vì nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển răng của bé.
- Sulfamid: Gây vàng da ở bé sơ sinh, hạ bạch cầu, gây suy tuỷ và dị ứng da nặng.
Thanh Thủy