Khi bé tiếp xúc với nước (hồ bơi, biển, sông, hồ…), bé có nhiều nguy cơ bị đuối nước. Tuy nhiên, sau khi rời khỏi mặt nước, có khi sau 24-48 giờ, bé vẫn có thể bị chết đuối.
Đó là hiện tượng đuối nước trên cạn, được chia làm 2 loại: đuối nước khô và đuối nước thứ cấp. Đuối nước trên cạn thường gặp ở trẻ nhỏ, vì dung tích phổi của bé nhỏ hơn nhiều so với người lớn.
Biểu hiện chung khi bé bị đuối nước khô và đuối nước thứ cấp là thở khó (Ảnh minh họa).
Phân biệt đuối nước khô và đuối nước thứ cấp
Đuối nước khô: Khi bé hít phải nước, dù là với lượng nhỏ, qua mũi hoặc miệng, sẽ làm các dây thanh âm và cơ thanh quản bị co thắt, gây cản trở hô hấp, khiến bé khó thở, cơ thể thiếu oxy và trở nên tím tái.
Đuối nước thứ cấp: Khác với đuối nước khô, đuối nước thứ cấp xảy ra khi bé đã hít nước vào phổi, gây viêm, phù phổi và tạo dịch trong phổi, có thể gây tràn dịch phổi, khiến bé thở gấp, ho, đau tức ngực, cực kỳ mệt mỏi, thay đổi tâm trạng và hành vi. Đuối nước thứ cấp thường biểu hiện muộn, trong khoảng 24 giờ sau khi bé hít phải nước.
Đề phòng đuối nước trên cạn cho bé
- Cần cho bé học bơi và bơi tốt để biết cách hít thở khi tiếp xúc với nước.
- Luôn theo dõi bé khi bé ở gần khu vực có nước.
- Chỉ cho phép bé bơi trong khu vực có nhân viên cứu hộ.
- Không bao giờ cho bé bơi 1 mình.
- Theo dõi tình trạng sức khỏe của bé, đặc biệt là hô hấp, sau khi bé bơi.
Các xử lý ban đầu khi phát hiện bé có dấu hiệu bị đuối nước trên cạn:
- Nhanh chóng gọi xe cấp cứu.
- Vác bé lên vai, 2 chân phía trước, đầu chúc ra sau để nước chảy ra, làm động tác này 5 – 10 giây.
- Kiểm tra mạch của bé, nếu mạch không đập hoặc đấp yếu thì hà hơi thổi ngạt, nhấn mạnh ở ngực cho tim đập trở lại.
- Hô hấp nhân tạo cho tới khi bé thở.
- Tìm mọi cách để bé tỉnh trở lại.
- Đưa bé đến bệnh viện gần nhất.
Thu Trang