Khóc là cách để bé liên hệ, giao tiếp với mọi thứ xung quanh, nhưng vì bé không thể nói nên mẹ rất lo và tự hỏi “Bé muốn gì?”. Thông thường, khi bé khóc, mẹ phải nghĩ đến các nguyên nhân sau:
Bé đói: Khi đói, bé hay quấy, làm ồn và nếu được mẹ bế thì bé sẽ đi tìm vú mẹ hay nếu chạm tay vào miệng, bé sẽ há miệng đòi ăn.
Bị ướt tã: Khi cảm thấy ẩm ướt, bé cũng có thể khóc. Tuy nhiên, cũng có nhiều bé vẫn chơi cho dù tã bẩn vì nước tiểu và phân. Do vậy, mẹ cần kiểm tra tã thường xuyên để giữ vệ sinh cho bé.
Nóng quá hay lạnh quá: Bé mới sinh thích được nằm yên trong chiếc chăn mềm mại và ấm áp. Khi mẹ thay tã hay thay áo cho bé, bé bị lạnh nên có thể khóc. Vì vậy, mẹ nên thay tã nhanh chóng nhưng cũng không nên quấn bé với nhiều lớp khăn vì bé có thể bị nóng. Bé càng nhỏ càng ít phản ứng mạnh, ít khóc lớn để phản đối việc bị quấn quá ấm hay bị để quá lạnh. Do đó, mẹ phải theo dõi cẩn thận thân nhiệt của bé.
Muốn được bồng ẵm trên tay: Bé rất thích được bế vì như thế, bé sẽ nhìn được mặt mẹ, nghe tiếng mẹ, nghe tiếng tim đập của mẹ mà bé đã quen nghe từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, ngửi mùi quen thuộc từ mẹ, nhất là mùi sữa mẹ. Sau khi cho bé bú, cho ợ hơi, được thay tã sạch sẽ, nhiều bé rất thích được ẵm trên tay.
Không muốn bị quấy rầy nhiều: Khi có nhiều người đến thăm, chơi, hôn, bồng chuyền tay nhau… bé dễ bị mệt và chán. Lúc đó, bé sẽ khóc như muốn nói: “Con mệt quá rồi! Để con yên đi!”. Hãy mang bé ra một nơi yên tĩnh hơn và dỗ cho bé ngủ.
Bị bệnh: Bé khóc khi bị bệnh. Hãy xem bé có bị sốt không? Tiếng khóc của bé khi bị bệnh thường khác với tiếng khóc khi bé đói hay quấy. Mẹ nên đưa bé đi khám bệnh nếu bé sốt, nghẹt mũi, bỏ bú, bỏ ăn và khóc quấy.
Đau bụng: Khi đau bụng, bé sẽ khóc quấy nhiều từng chập và rất khó dỗ bé nín. Khi bé khóc liên tục 2 – 3 giờ và khóc nhiều ngày trong tuần, rất có thể bé bị đau bụng. Mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để tìm nguyên nhân và điều trị sớm.
BS Nguyễn Thị Thanh Bình
Nguyên Cố vấn Khoa sơ sinh, bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM)