Bé có hệ tiêu hóa non yếu, không được khắc phục và hỗ trợ sẽ dễ mắc các bệnh đường ruột. Khi mắc bệnh đường ruột, bé ăn không ngon miệng sẽ biếng ăn, dẫn tới phát triển không toàn diện...
Theo BS Hoàng Lê Phúc, trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi đồng I (TP. HCM), “Không kể đến các nguyên nhân về bệnh lý, thông thường, nguyên nhân căn bản dẫn đến chứng biếng ăn ở bé là do hệ tiêu hóa còn đang phát triển, hoàn thiện dần theo thời gian, nên cần phải có phương pháp dinh dưỡng hợp lý, đúng thời điểm để phù hợp với chức năng hiện có của đường tiêu hóa”.
Nếu cho ăn cháo kéo dài, bé sẽ ngán, mất cảm giác ngon miệng, dẫn đến biếng ăn. Ảnh minh họa.
Đưa ra một ví dụ đơn giản, một số chuyên gia dinh dưỡng đánh giá rằng nhiều trẻ em Việt Nam biếng ăn là do phải trải qua quãng thời gian ăn cháo quá dài, từ 1 tuổi đến tận 2-3 tuổi. Nhận định này rất hợp lý, bởi thức ăn phải phù hợp với hệ tiêu hóa phát triển theo từng độ tuổi của bé. Trẻ nhỏ chưa đủ răng, phải chọn thức ăn loãng, nếu ép bé ăn dặm quá sớm, ăn thức ăn đặc và cứng quá sớm, hệ tiêu hóa non yếu của bé sẽ “kham” không nổi và bị ảnh hưởng ngay. Bé sẽ nôn ói liên tục, sợ thức ăn, cứ thấy thức ăn là giãy khóc. Ngược lại, khi bé đã đủ răng thì sẽ có “nhu cầu” thích thức ăn cứng để nhai như người lớn. Nếu cho ăn cháo kéo dài, thường xuyên trong tình trạng “ngậm - nuốt” thì bé cũng sẽ ngán, mất cảm giác ngon miệng, dẫn đến biếng ăn.
Một ví dụ khác, nhiều bà mẹ rất hay “dụ” con ăn bằng cách vừa đút thức ăn vừa cho con xem ti vi, điện thoại hoặc đùa giỡn, chạy chơi. Cách cho ăn này kỳ thực không phù hợp với hệ tiêu hóa non yếu của bé và lâu dần sẽ gây tình trạng biếng ăn. Vì sao? Mẹ cần biết rằng chỉ khi bé tập trung vào bữa ăn, ý thức là mình đang ăn thì hệ tiêu hóa của bé mới tiết ra đầy đủ các dịch tiêu hóa, tạo sự ngon miệng. Việc cho bé vừa ăn vừa chơi đùa, làm việc khác sẽ khiến bé không có đủ dịch tiêu hóa, mất tập trung, ngậm thức ăn cả buổi, mất ý thức nhai, không cảm nhận được hương vị thơm ngon mà thức ăn mang đến…
Ngoài ra, cũng vì hệ tiêu hóa còn non yếu nên bé rất dễ mắc phải các rối loạn tiêu hóa như dễ bị nôn trớ, trướng bụng, tiêu chảy, táo bón… trong trường hợp bị ép ăn nhiều hơn so với khối lượng có thể tiêu hóa; hoặc ăn quá nhiều chất bổ, chất đạm so với khả năng hấp thu. Có một vòng tròn luẩn quẩn: Bé có hệ tiêu hóa non yếu, không được khắc phục và hỗ trợ sẽ dễ mắc các bệnh đường ruột. Khi mắc bệnh đường ruột, bé ăn không ngon miệng sẽ biếng ăn, dẫn tới phát triển không toàn diện. Và một khi đã biếng ăn, phát triển không toàn diện thì hệ tiêu hóa của bé theo đó lại càng yếu.
Bảo Ngọc