Khi bé được 6 tuổi hoặc chậm hơn một chút, những chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên bắt đầu mọc, thường là hai răng cửa giữa hàm dưới mọc trước, kế đến là hai răng cửa giữa hàm trên.
Thế nhưng mấy chiếc răng mọc lên vừa “to đùng” lại vừa có màu vàng, xám, xỉn màu…, từ hình thể cho đến màu sắc đều "xấu". Vì đâu nên nỗi?
Nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ giai đoạn hình thành thành phần, cấu trúc các mô cứng của răng. Thông thường, màu men của răng vĩnh viễn sẽ vàng hơn màu men của răng sữa. Đó là do lớp men của răng vĩnh viễn dày gấp đôi lớp men của răng sữa nên răng sữa thường có màu trắng đục hơn răng vĩnh viễn. Màu men của răng vĩnh viễn còn được quyết định bởi độ trong và tính đồng nhất của cấu trúc men răng, màu vàng nhạt của lớp ngà răng bên dưới. Bên cạnh đó, đây cũng là giai đoạn màu răng có thể bị thay đổi do chất màu được ngấm vào răng từ yếu tố ngoại lai (như nhiễm tetracycline do người mẹ đang mang thai hoặc bé sau khi sinh và trước 6-7 tuổi uống loại kháng sinh này kéo dài trong thời kỳ hình thành và phát triển xương và răng).
Nguyên nhân tiếp theo là do tác nhân làm đổi màu răng sau khi răng mọc. Màu răng có thể bị thay đổi do chấn thưong (làm tủy hoại tử), bị nhiễm flour, sự bám của chất tạo màu từ thức ăn, đồ uống.
Về mặt hình thể, răng vĩnh viễn đúng là “to đùng”, nhưng kích cỡ “đi trước” như vậy nhằm “chờ” sự phát triển toàn thân nói chung và gương mặt của bé nói riêng khi ở vào độ tuổi trưởng thành. Lúc đó, răng và gương mặt sẽ tìm được sự hài hòa và ổn định hơn.
Việc răng sữa được thay, bên cạnh nét thẩm mỹ còn nhằm tiếp tục hoàn thiện chức năng ăn nhai, phát âm, sự hài hòa về khớp cắn... Do đó, nếu chỉ bận tâm về màu sắc hoặc hình thể không thôi thì chưa đủ. Vì vậy, cha mẹ không nên quá lo âu hoặc nuối tiếc khi thấy hình thể, màu sắc của răng vĩnh viễn không đẹp như răng sữa. Điều cần làm là hãy đưa bé đi khám răng hàm mặt, để bác sĩ có thể xem xét về kích thước, màu răng và các yếu tố khác, nhằm đưa ra kế hoạch theo dõi hoặc can thiệp nếu mức độ và điều kiện cho phép.
BS.CK1 Nguyễn Bá Hiền
Khoa Răng hàm mặt – ĐH Y Dược TP.HCM