Một xu hướng “tình thương vô ý gây nên tội” cần sớm phải được nhận biết và điều chỉnh lại là tình trạng mẹ cố ép con ăn thật nhiều, khiến bé từ không bệnh thành có bệnh, từ bệnh nhẹ thành bệnh nặng.
Bé đang khỏe mạnh nhưng do thường xuyên bị ép ăn nhiều dễ có nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (TNDDTQ), một trong những căn bệnh dẫn đến rất nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe của bé.
Nguy hiểm như trào ngược dạ dày thực quản
BS.CK2 Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, 70 - 80% nguyên nhân của bệnh TNDDTQ ở bé là do cha mẹ ép con ăn quá nhiều. Có rất nhiều cha mẹ lo lắng, nóng ruột khi thấy con mình lười ăn, nhẹ cân hơn “con người khác” nên ép bé ăn theo ý muốn của mình, khiến bữa ăn của bé từ thưởng thức để hấp thụ thành “cuộc chiến”, làm bé sợ hãi, chán ăn và sinh bệnh... Những bé bị ép ăn thường xuyên sẽ dễ bị trào ngược dạ dày, ợ chua, tâm lý căng thẳng…, lặp đi lặp lại nhiều lần trở thành nguyên nhân chính phát tác bệnh TNDDTQ.
Theo BS Thu Hà, chứng TNDDTQ khá phổ biến ở trẻ em, là hiện tượng trào ngược những chất chứa trong dạ dày vào trong thực quản. Nhiều cha mẹ thấy hiện tượng TNDDTQ phổ biến ở bé nên không đề phòng, chữa trị sớm, dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề cho bé. Đầu tiên là tình trạng viêm thực quản với các mức độ khác nhau, trong đó, nặng nề nhất là barret thực quản có thể dẫn đến ung thư. Cơ quan bị ảnh hưởng hay gặp nữa là hệ hô hấp. Bé sẽ dễ bị ho, khò khè kéo dài mà không đáp ứng với các điều trị thông thường. Có thể bé sẽ bị khàn tiếng hoặc hen suyễn liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, những bé bị bệnh trào ngược có thể bị mòn răng, viêm tai, viêm xoang, sụt cân, suy dinh dưỡng, chậm lớn… Nếu trào ngược xảy ra trong lúc bé ngủ nằm đầu thấp, không được phát hiện kịp thời cũng dẫn đến tử vong do tắc thở...
Làm gì để thay đổi?
Giải pháp cho con ăn của nhiều nước trên thế giới là là cha mẹ chỉ nên chọn đồ ăn phù hợp cho con, hướng dẫn và dẫn dắt con ăn, còn ăn bao nhiêu, nhiều hay ít là quyền tự do của bé. Họ không đồng ý, thậm chí cả chuyện khuyến khích bé ăn, chứ không nói đến ép con ăn. Bởi họ cho rằng mỗi người có nhu cầu, sự hấp thụ thức ăn và mức độ sử dụng năng lượng khác nhau. Cơ thể sẽ học cách tự cân bằng, tuy không phải ngày một ngày hai, có thể sau cả tháng mới nhận ra sự thiếu hụt và thèm ăn.
Nuôi con là cả một công cuộc vĩ đại, tình yêu thương thôi chưa đủ, cha mẹ cần phải tự điều chỉnh lại chính mình để phù hợp với con trẻ. Hãy cố gắng giảm dần rồi chấm dứt hẳn chuyện thúc giục, ép bé ăn uống theo ý muốn của mình. Để bé ăn uống hào hứng, cha mẹ nên áp dụng những cách như: "Con ăn hết bát cơm trước 7 giờ rưỡi thì đi xe đạp, ăn hết sau giờ đó thì không được đi chơi nữa, chỉ được xem hoạt hình, mà không ăn hết thì không được gì cả”… Nhưng nếu có hôm bé nóí "Mẹ ơi con no lắm rồi, con đau bụng lắm rồi, để mai mình đi xe đạp nhé". Lúc này, mẹ hãy nhẹ nhàng với bé: “Con không ăn hết được à, thế thì không được đi xe đạp, cũng không được xem hoạt hình. Thôi mai con ăn giỏi để mẹ con mình đi nhé!".
Nếu làm được như vậy, bảo đảm hội chứng TNDDTQ và nhiều căn bệnh khác sẽ không tìm đến những thiên thần nhỏ của chúng ta đâu. Chúc các ông bố bà mẹ và các con bớt căng thẳng để cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái hơn.
Thanh Loan