Hằng năm, trong những ngày Tết, khoa Nhi BV Bạch Mai thường tiếp nhận các bé đến khám và điều trị, trong đó nhiều nhất là các bé bị tiêu chảy và viêm đường hô hấp. Nhiều bé được đưa đến bệnh viện khi bệnh tình đã khá nặng. Vì thế, trong những ngày này, cha mẹ nên chuẩn bị sẵn một số loại thuốc thông thường để có thể xử trí ban đầu, khi chưa thể đưa bé đến bệnh viện ngay.
Hạ sốt
Theo Th.S Nguyễn Thành Nam, phó trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, các thuốc hạ sốt như paracetamol, efferalgan, panadol có thể dùng cho bé với liều lượng 10 – 15mg/kg cân nặng; có thể dùng 4 - 6h/lần và mỗi ngày không quá 4 lần. Đây là các thuốc hạ sốt thông dụng, dễ mua và an toàn cho bé.
Hiện nay, trên thị trường bán nhiều các loại miếng dán lên trán, được quảng cáo là có tác dụng hạ sốt cho bé; hoặc các miếng cao dán cũng được quảng cáo là có tác dụng làm ấm. Tuy nhiên, bác sĩ Nam khuyến cáo cha mẹ không nên lạm dụng các sản phẩm này, bởi chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định vai trò thực sự của miếng dán trong việc hạ sốt cho bé.
Viêm đường hô hấp
Trong những ngày Tết rét lạnh, để phòng bệnh viêm đường hô hấp, cha mẹ nên tránh cho bé thay đổi môi trường, nhiệt độ đột ngột. Nếu bé bị cảm lạnh, bị hắt hơi, sổ mũi, cha mẹ có thể sử dụng nước muối biển, xịt vào 2 bên mũi cho bé, nhằm làm vệ sinh mũi họng, phòng nguy cơ tiến triển thành viêm đường hô hấp. Nếu bé ho do cảm lạnh, cha mẹ có thể cho bé sử dụng một số loại siro ho thảo dược, cũng an toàn cho bé.
Rối loạn tiêu hóa
Ngày Tết, rối loạn tiêu hóa rất dễ xảy ra với bé. Cha mẹ nên cố gắng duy trì cho bé thói quen ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh. Thức ăn đảm bảo cân đối về dinh dưỡng, có chất xơ, đồng thời cho bé uống nhiều nước để tránh táo bón.
Nếu bé không may bị rối loạn tiêu hóa, ngoài tiêu chảy, có thể kèm theo buồn nôn và nôn. Đã có những trường hợp gia đình bận bịu ngày Tết, không để ý đến bé nên bé bị tiêu chảy kéo dài, dẫn đến bị mất nước nặng. Việc cứu chữa những bé này sẽ rất khó khăn. Vì thế, khi bé có biểu hiện tiêu chảy, cha mẹ nên bù nước cho bé bằng cách cho uống dung dịch oresol để bé không bị kiệt sức vì mất nước. Có thể sử dụng gói oresol loại gói nhỏ hoặc hydrite, mỗi gói pha với 200ml nước cho bé uống dần. Nếu bé bị nôn thì có thể cho uống thuốc chống nôn motilium.
Sơ cứu vết thương
Các bé khó tránh khỏi vấp ngã hoặc va đập nên rất dễ bị thương. Nếu đó là vết xước nhỏ thì cha mẹ có thể rửa bằng nước sạch cho bé, sau đó vệ sinh bằng dung dịch sát trùng betadine pha loãng rồi che vết thương lại bằng gạc sạch, mỏng.... Với các vết thương sâu, chảy nhiều máu, cha mẹ phải băng ép lại rồi đưa bé đến ngay cơ sở y tế.
Cách dùng các thuốc nói trên cho bé đều chỉ là những xử trí tại nhà tạm thời. Khi bé có bất cứ biểu hiện bất thường nào về sức khỏe, dù là tiêu chảy, nôn hay viêm đường hô hấp, bé cần được đưa đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những đáng tiếc có thể xảy ra. Trong những ngày nghỉ Tết, các bệnh viện vẫn có các bác sĩ, điều dưỡng trực cấp cứu 24/24h.
Gia Bảo