Khò khè là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em. Mỗi lần như thế, cha mẹ lại thường khá lo lắng và tìm đủ mọi cách để bé “mau hết đàm”. Một trong những cách hiện nay được nhiều người quan tâm là vật lý trị liệu hô hấp hay có khi được gọi đơn giản là “đi lấy đàm (đờm)”.
Vật lý trị liệu hô hấp là gì?
ThS.BS Trần Anh Tuấn, Thầy thuốc ưu tú, trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết: Vật lý trị liệu hô hấp là nhóm các biện pháp điều trị hỗ trợ bằng cách dùng các phương pháp vật lý (hoặc bằng tay của kỹ thuật viên, hoặc bằng dụng cụ, hoặc cả hai) để giúp cải thiện hiệu quả của hô hấp, giúp phổi giãn nở tốt hơn, tăng cường sức cơ hô hấp, và thải trừ các chất tiết, đàm nhớt ra khỏi đường hô hấp. Với trẻ nhỏ, có rất nhiều kỹ thuật được áp dụng, tùy theo từng trường hợp cụ thể như, rửa mũi, thông mũi ngược dòng, kích thích ho, giảm thể tích, chặn gốc lưỡi, vỗ lưng,…
Không nên lạm dụng vật lý trị liệu hô hấp
Theo BS Tuấn, vật lý trị liệu là một phương pháp điều trị hỗ trợ rất hiệu quả trong nhiều bệnh hô hấp. Tuy nhiên, có hai điểm cần lưu ý:
1. Đây chính là một biện pháp điều trị hỗ trợ chứ không phải là biện pháp điều trị nguyên nhân. Vì vậy, các bé cần được bác sĩ thăm khám đầy đủ, xác định chính xác nguyên nhân để có được một hướng điều trị cụ thể, hiệu quả, phù hợp.
2. Không phải bất cứ bé nào mắc bệnh hô hấp cũng cần phải làm vật lý trị liệu hô hấp, ngay cả trong nhiều trường hợp bé thật sự có đàm. Đặc biệt, khi bé đang lên cơn suyễn (thường có biểu hiện ho, nặng ngực, khò khè, khó thở) thì không nên làm vật lý trị liệu vì không hiệu quả và có khi lại làm nặng hơn tình trạng khó thở.
Hải Thùy