Những tiếng động lớn, những âm thanh bất chợt bên ngoài không làm bé sợ. Thế nhưng, khi bé lớn hơn, đến mức cần nhưng lại không thể nhận biết tín hiệu tiếng nói từ người khác để điều chỉnh hành vi của mình, cha mẹ mới biết là tai của bé có vấn đề
Bé không chú ý, không vâng lời (do không hiểu hoặc hiểu không rõ những gì người khác nói), bé phát triển mạnh ngôn ngữ bằng nét mặt và điệu bộ, bé có biểu hiện trở nên hung dữ, hay cáu gắt… Bé dửng dưng khi được gọi, hoặc không có phản xạ trước những tiếng động lớn và gần… Nếu bé từ 4 tháng đến 2 tuổi có các biểu hiện như trên, cha mẹ hay đưa bé đi kiểm tra thính lực ngay, bởi đó có thể là những dấu hiệu của điếc bẩm sinh.
Những tiếng động lớn, những âm thanh bất chợt bên ngoài không làm bé sợ. Thế nhưng, khi bé lớn hơn, đến mức cần nhưng lại không thể nhận biết tín hiệu tiếng nói từ người khác để điều chỉnh hành vi của mình, cha mẹ mới biết là tai của bé có vấn đề.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là cơ sở đầu tiên trên cả nước thực hiện sàng lọc dị tật điếc bẩm sinh ở bé sơ sinh. Các y tá sẽ sử dụng phương pháp đo âm thanh thoát ra từ ốc tai, thực hiện khi bé đang ngủ. Bé sau sinh 24 giờ có thể đo được, trước khi bé về nhà. Thời gian thử nghiệm khoảng 5 - 8 phút, chi phí không quá đắt. Bé vượt qua được thử nghiệm ngay lần đầu, nghĩa là khả năng thính lực của bé bình thường. Nếu không vượt qua, bé sẽ được đo lại lần 2 sau 10 - 14 ngày. Nếu tiếp tục không vượt qua thử nghiệm, bé sẽ được chuyển tới khoa Thính - Thanh học, bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ để thực hiện các thăm dò chuyên sâu, xác định tổn thương và phương pháp điều trị cụ thể. Khoa Thính - Thanh học, bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ đã tiếp nhận vài chục bé như vậy và điều trị. Với những trường hợp điếc sâu, tổn thương thần kinh được chỉ định phẫu thuật cấy ốc tai.
Sau hơn 10 năm triển khai phương pháp phát hiện điếc bẩm sinh, đã có hàng vạn bé sơ sinh ra đời tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội được sàng lọc. Khoảng 85% bé sinh ra đều được sàng lọc, trừ những bé quá yếu, về sớm hoặc cha mẹ từ chối. Tỉ lệ phát hiện có dị tật thính lực là 3‰. TS.BS Nguyễn Công Nghĩa, Trưởng phòng Nghiên cứu đào tạo và chỉ đạo tuyến, bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Mất thính lực cần phải được xác định và điều trị nếu có thể trước khi bé được 6 tháng tuổi. Điều trị sớm ngay ở giai đoạn này, bé vẫn có khả năng phát triển các kỹ năng tương đương với các bé bình thường khi đi nhà bé. Nếu bé được phát hiện muộn khi đã 2 - 3 tuổi, khuyết tật thường là vĩnh viễn, không thể sửa chữa, không thể đưa được về khả năng phát âm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức so với các bé bình thường”.
Ngay cả những bé không có các yếu tố nguy cơ làm mất thính lực, vẫn có khả năng mất thính lực. Vì thế, chương trình sàng lọc cần áp dụng cho mọi bé sơ sinh trước khi ra viện. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã chuyển giao kỹ thuật sàng lọc thính lực bẩm sinh này cho nhiều khoa sản của các bệnh viện tỉnh và bệnh viện phụ sản trên toàn quốc. Tại TP.HCM, bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hùng Vương cũng đã triển khai dịch vụ này.
Nguyễn Hằng