Cong vẹo cột sống được coi là bệnh gắn với học đường, gây nên các biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của bé. Bằng cách quan sát hình thể của bé, đặc biệt là từ phía sau, cha mẹ hoàn toàn có thể phát hiện ra bệnh khi độ cong vẹo còn nhỏ để được can thiệp đầy đủ, kịp thời.
Cong vẹo cột sống là gì?
Cột sống là một cột xương gồm nhiều đốt sống chồng lên nhau để nâng đỡ cơ thể, vận động và bảo vệ tủy. Bình thường, cột sống thẳng khi nhìn từ phía sau; khi nhìn nghiêng có 4 chỗ cong ở cổ, ngực, thắt lưng, xương cùng. Nếu kiểm tra thấy lưng bé có biểu hiện cong sang bên (vẹo lưng có dạng hình chữ C hoặc chữ S), gù, ưỡn lưng (lưng đong đưa), hình gập hoặc u cục ở lưng (lao cột sống) thì có thể bé đã bị cong vẹo cột sống ở một kiểu nào đó.
Cách phát hiện cong vẹo cột sống
Để nhận biết bé có bị cong vẹo cột sống hay không, cha mẹ cần thường xuyên theo dõi tư thế ngồi của bé. Nếu thấy bé hay ngồi lệch sang một bên, phần lưng không thẳng khi đi hoặc đứng thì cần nghĩ đến việc bé có thể đã bị cong vẹo cột sống.
Một cách đơn giản khác để phát hiện bệnh là quan sát sự cân bằng hai vai khi bé tắm. Để bé cúi lưng xuống, nếu cong vẹo cột sống thì một bên lưng của bé sẽ cao hơn bên đối diện. Quan sát kỹ cột sống ở giữa lưng, nơi không bị các khối cơ che lấp rồi dùng tay miết dọc sống lưng xem các đốt sống có nằm thẳng hay không, nếu các đốt sống thẳng là bé không bị bệnh. Khi bé đứng thẳng, nhìn từ phía sau thấy cột sống của bé không thẳng, hoặc có dấu hiệu vẹo sang một bên, cha mẹ cần đưa bé đi khám chuyên khoa ngay để sớm được chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm như bệnh tim mạch, suy hô hấp mạn tính, biến dạng khung chậu, khớp háng…
TS Trịnh Quang Dũng
Trưởng khoa Phục hồi chức năng, BV Nhi T.Ư