Tại khoa Ngoại, BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM), trung bình mỗi tháng có gần 40 bệnh nhi bị thoát vị bẹn.
Bé Lê Nguyễn Nam Anh (3,5 tuổi, quận 4, TP.HCM), đang chơi đùa cùng bạn thì bất ngờ ôm bụng kêu đau, co rúm người, khóc. Cô giáo vội vàng đưa bé vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi khám và siêu âm, bác sĩ cho biết là bé bị thoát vị bẹn, phải phẫu thuật.
Bé gái Tăng Ngọc Tường Nhi (20 ngày tuổi, quận 1, TP.HCM), bị sưng ở vị trí phía trên bộ phận sinh dục, bé không quấy khóc nhưng khi đi khám qua siêu âm, bác sĩ chẩn đoán bé bị thoát vị ống Nuck.
ThS.BS Trần Thanh Trí, khoa Ngoại, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết: “Thoát vị bẹn là bệnh lý ngoại khoa thường gặp nhất ở trẻ em. Đây là một dị tật bẩm sinh. Nguyên nhân của thoát vị bẹn trẻ em là khi còn trong bụng mẹ, tinh hoàn nằm trong ổ bụng. Qua quá trình phát triển của bào thai, tinh hoàn dần đi xuống bìu, khi đi xuống sẽ kéo theo nếp phúc mạc, tạo thành túi. Sau khi bé ra đời, vòng 12 tháng đầu, túi này sẽ tự bít. Nhưng, vì một lý do nào đó, túi thoát vị này không được bít lại. Khi đó, các cơ quan trong ổ bụng như ruột, mạc nối, buồng trứng… sẽ chui vào và tạo nên một khối phồng ở vùng bẹn-bìu ở bé trai và âm môi ở bé gái.”
Ảnh minh họa.
Thoát vị bẹn: 100% phải phẫu thuật
ThS.BS Trần Thanh Trí cho biết: “Thoát vị bẹn thường xuất hiện khi các bé chạy nhảy hoặc quấy khóc. Nếu chỉ có nước chui vào túi, người ta gọi là nước màng tinh hoàn hoặc kén thừng tinh.Thoát vị bẹn không bao giờ tự khỏi, nên 100% các trường hợp bị thoát vị bẹn đều phải phẫu thuật. Nếu không, khi các tạng trong khoang bụng chui vào túi thoát vị sẽ gây hậu quả nghiêm trọng: Các tạng chui xuống bị kẹt lại, thiếu máu nuôi và có thể hoại tử nếu không được điều trị. Với bé trai thì tinh hoàn và mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép, lâu dần tinh hoàn bị teo đi và giảm chức năng. Nếu tạng thoát vị không đẩy vào được khoang bụng, bệnh nhi phải được mổ cấp cứu”.
Tuy nhiên, phẫu thuật thoát vị bẹn chỉ là một phẫu thuật nhỏ, bé không bị mất nhiều máu, sau phẫu thuật có thể được về ngay trong ngày. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 45 phút kể cả thời gian gây mê.
Chăm sóc hậu phẫu
BS Trí cho biết thêm: “Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chuyển qua phòng hồi tỉnh cho đến khi tỉnh hẳn, thời gian này không quá 2 tiếng. Các bé được cho uống thuốc giảm đau, thông thường là paracetamol, và có thể về nhà nếu bé khỏe. Tuy nhiên, với một số bé có tiền căn sinh non hoặc có vấn đề về sức khỏe thì có thể lưu lại qua đêm”. Khi về nhà, bé sẽ tiếp tục uống thuốc giảm đau, mỗi 6 giờ, trong 3 ngày đầu sau phẫu thuật. Vết mổ có thể có ít máu khô, sưng nhẹ, nhưng không cần băng kín sau 2 ngày phẫu thuật và bé có thể tắm. Nhưng bé chỉ được phơi nắng vết mổ sau 1 năm. Sau phẫu thuật 1 - 2 ngày, bé có thể vận động ngay”.
ThS.BS Thanh Trí cũng lưu ý: “Các bé sẽ được bác sĩ hẹn tái khám sau 1 - 2 tuần để xem lại vết mổ và cắt chỉ. Nhưng nếu khi về nhà, bé có một số biểu hiện như: sốt, vết mổ đỏ nhiều, đau nhiều hoặc có dịch chảy ra từ vết mổ thì cha mẹ phải đưa bé đến cơ sở y tế hoặc quay lại bệnh viện để cấp cứu”.
Bùi Hương