Không phải tất cả các tác nhân gây viêm não đều có thuốc chủng ngừa. Viêm não là tình trạng viêm của nhu mô não do vi-rút. Các nguyên nhân gây viêm não có thể kể đến: sởi, quai bị, thủy đậu, enterovirus, rubella, herpes và viêm não Nhật Bản...
Là bác sĩ nhi khoa, chúng tôi thường nhận được câu hỏi thảng thốt của phụ huynh “bé đã chích ngừa viêm não đầy đủ nhưng sao vẫn bị?”, mỗi khi bắt gặp một ca viêm não.
Thực tế không phải tất cả các tác nhân gây viêm não đều có thuốc chủng ngừa. Viêm não là tình trạng viêm của nhu mô não do vi-rút. Các nguyên nhân gây viêm não có thể kể đến: sởi, quai bị, thủy đậu, Enterovirus, Rubella, Herpes và viêm não Nhật Bản... Có hơn 70% trường hợp không xác định được nguyên nhân gây bệnh, trong điều kiện xét nghiệm của nước ta hiện nay. Hai tác nhân gây bệnh được phát hiện nhiều ở nước ta là viêm não Nhật Bản và Enterovirus.
Các biểu hiện viêm não trong giai đoạn sớm không chuyên biệt, nghĩa là các dấu hiệu này có thể gặp trong nhiều bệnh khác. Vì vậy, cần đưa bé đi khám sớm, theo dõi quá trình bệnh của bé để phát hiện những thay đổi về tri giác, hô hấp, thân nhiệt…
Bé có các triệu chứng sau phải được đưa đi khám ngay:
- Sốt cao > 39ºC: thường khởi phát đột ngột, sốt liên tục hay sốt trên 2 ngày không giảm với thuốc hạ sốt.
- Ở các bé nhỏ (dưới 2 tuổi): quấy khóc, bỏ bú, hay hốt hoảng, giật mình, thóp phồng.
- Buồn nôn, nôn.
- Li bì.
- Co giật.
- Đau đầu ở các bé lớn.
Khi có các biểu hiện thần kinh như co giật, rối loạn tri giác (li bì, mê) hay trụy tim mạch và suy hô hấp là bệnh đã diễn tiến nặng. Những bé này thường có tỷ lệ tử vong hay di chứng thần kinh rất cao. Bệnh diễn tiến càng nhanh, càng nặng và khó lường trước.
Ngoại trừ Herpes vi-rút, tất cả các viêm não do vi-rút khác không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi nghi ngờ bé mắc viêm não, cần đưa ngay bé đến bệnh viện chuyên khoa để được điều trị thích hợp.
Có hai hình thức phòng ngừa viêm não: phòng ngừa lan truyền và phòng ngừa chủ động bằng chủng ngừa. Hiện nay, viêm não Nhật Bản và viêm não do sởi, quai bị, Rubella và thủy đậu đã có thuốc chủng ngừa.
Viêm não do Enterovirus chưa có thuốc chủng ngừa, vì vậy, việc phòng bệnh tập trung vào việc tránh lây nhiễm khi trong gia đình có bé bị bệnh:
- Cho bé dùng khăn, ly, chén riêng để hạn chế sự tiếp xúc với các chất tiết của đường tiêu hóa và đường hô hấp.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và chế biến món ăn, ít nhất là đến 2-4 tuần sau khi khởi phát bệnh.
- Không cho bé ăn thức ăn đã chế biến lâu.
PGS. TS Võ Công Đồng – BV Nhi đồng 2 – ĐH Y Dược
ThS. BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên – ĐH Y Dược