Tiêu chảy là căn bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, nhất là bé dưới 5 tuổi. Vào mùa hè, tỷ lệ bé mắc bệnh thường tăng cao đột biến.
Các tác nhân gây bệnh tiêu chảy (vi-rút, vi trùng, ký sinh trùng hoặc độc tố của vi trùng) lây truyền bệnh cho bé qua đường phân - miệng. Bé ăn phải đồ ăn, thức uống không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tiêu chảy. Ngoài ra, khi sàn nhà, sân chơi, đồ chơi, vật dụng xung quanh bé… nhiễm bẩn, mà bé thường có thói quen ngậm tay, mút tay, cắn móng tay, ngậm đồ chơi… nên đã vô tình đưa tác nhân gây bệnh vào cơ thể.
Tại sao khi thời tiết nắng nóng, bé dễ bị tiêu chảy?
Mùa nắng nóng, môi trường bị ô nhiễm, thức ăn dễ ôi thiu… là điều kiện thuận lợi để phát tán mầm bệnh tiêu chảy. Và các tác nhân gây bệnh như: siêu vi, vi trùng (độc tố vi trùng), ký sinh trùng…cũng thường xuất hiện trong mùa nắng nóng.
Ngoài ra, khi thời tiết nóng bức, bé thường thấy khó chịu, lười ăn nên tình trạng dinh dưỡng kém, càng khiến nguy cơ bệnh tiêu chảy tăng cao.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng tránh bệnh hiệu quả, cha mẹ cần cho bé ăn chín - uống sôi và rửa tay để “cắt đứt” đường lây truyền bệnh.
- Thức ăn cho bé phải nấu chín và không để quá lâu, bữa nào nấu bữa đấy. Nước uống phải được đun sôi, để nguội, dùng nước sạch để nấu ăn và đun nước uống cho bé. Không cho bé ăn thức ăn đã ôi thiu. Khi tắm cho bé, cha mẹ cũng tránh để bé nuốt nước đang tắm vào miệng.
- Dụng cụ ăn uống của bé cần được vệ sinh sạch sẽ.
- Rửa tay cho bé và người chăm sóc với xà phòng và nước sạch. Các thời điểm cần phải rửa tay là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho bé ăn, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho bé, sau khi đi vệ sinh.
- Tích cực diệt ruồi, nhặng bằng mọi hình thức.
- Giữ vệ sinh sàn nhà, sân chơi,… đồ chơi của bé phải rửa sạch thường xuyên.
BS Hoàng Lê Phúc
Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)