Chốc là một bệnh da lây lan nhanh và có tính tự tiêm nhiễm nên khởi đầu chỉ là một nốt thì vài giờ sau đã xuất hiện nhiều vùng mới trên da của bé.
Đó là những mụn - bóng nước có quầng đỏ ở xung quanh. Các mụn - bóng nước này nhanh chóng biến thành mụn mủ, rất mau vỡ rồi nhanh chóng khô đi, để lại một lớp mài vàng như mật ong, đồng thời bao quanh bởi một viền mủ. Các mụn nước, mụn mủ này có thể thấy ở khắp nơi trên cơ thể nhưng những vị trí thường gặp là ở phần hở như mặt, cổ, tay chân… Những mụn nước, mụn mủ này khi dộp vỡ ra, nước vàng chảy đến đâu sẽ có các mụn mủ mụn nước mới đến đó.
Bệnh chốc có thể có các biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận cấp và hội chứng da phỏng do nhiễm tụ cầu khuẩn.
- Viêm cầu thận cấp thường xảy ra 3 tuần sau khi bị chốc. Khi ấy, bé sẽ có triệu chứng sốt cao, bứt rứt, phù mặt và chân, đi tiểu ít, đôi khi tiểu ra máu. Một khi xuất hiện các triệu chứng này, cha mẹ nên đưa bé ngay đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời .
- Hội chứng da phỏng do nhiễm tụ cầu khuẩn thường gặp ở bé sơ sinh, bé còn bú. Bệnh xảy ra trung bình 3 ngày sau khi bị nhiễm tụ cầu khuẩn vào cơ thể bé (như là bị chốc, viêm rốn, viêm mũi họng, viêm tai...) Do đó, để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm, khi thấy bé có dấu hiệu bệnh cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa bệnh chốc, cha mẹ nên giữ da bé sạch sẽ, khô, tránh làm trầy xước da, giữ cho bé không bị mồ hôi nhễ nhại vào mùa nóng.
BS Phạm Thị Kim Anh
Phó trưởng khoa Lâm sàng 2, BV Da Liễu TP.HCM