Bệnh thường gặp ở các bé dưới 5 tuổi và rất dễ lây, thường lây nhanh qua đường tiêu hóa và các bé sống cùng nhà hay sinh hoạt cùng nhà trẻ, trường mầm non...
Biểu hiện của bệnh
Bệnh tay chân miệng cũng rất dễ nhận biết nếu được chú ý. Đó là các bóng nước có kích thước từ 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục, xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét gây đau và bỏ ăn.
Khi nổi bóng nước, bé có thể sốt nhẹ, quấy do đau miệng, bỏ ăn. Bóng nước sẽ tự xẹp đi, tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Một số bé có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp.
Cần phát hiện sớm biến chứng
Đa số các trường hợp bệnh sẽ tự khỏi, nhưng nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71, một số bé có biến chứng rất nguy hiểm là viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não. Điều nguy hiểm hơn là các biến chứng này rất khó phát hiện sớm nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm và người nhà không chú ý.
Bé có biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như: khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình chới với lúc bắt đầu thiu thiu ngủ hay lúc nằm, mặc dù khi thức hay lúc ngồi bé hoàn toàn tỉnh táo. Bé có thể biểu hiện hoảng hốt, nói lảm nhảm, run chi, đi loạng choạng. Triệu chứng khác có thể thấy khi có biến chứng như sốt rất cao, nôn ói nhiều, da nổi bông, mạch nhanh, yếu tay chân, méo miệng. Khi bé có biến chứng, nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể tử vong trong vài giờ.
Để phát hiện sớm biến chứng này, điều quan trọng là khi thấy bé có triệu chứng bệnh tay chân miệng, cha mẹ cố gắng theo dõi sát bé ít nhất 8 ngày để phát hiện ngay các dấu hiệu nghi ngờ biến chứng và mang bé đến bệnh viện. Mặt khác, nếu thấy bé có những triệu chứng bất thường kể trên thì tìm xem bé có những bóng nước ở miệng, lòng tay, lòng bàn chân, gối, mông không? Nếu có thì nhanh chóng mang bé đến bệnh viện.
Đối với trường hợp không có biến chứng, cha mẹ có thể điều trị tại nhà cho bé bằng thuốc giảm đau, cho bé ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, cố gắng cho bé ăn thành nhiều bữa.
Phòng bệnh tay chân miệng thế nào?
Hiện nay, tác nhân enterovirus 71 chưa có thuốc chủng ngừa nên cách phòng ngừa hiện nay ngoài việc bảo đảm vệ sinh trong ăn uống (rửa tay trước khi ăn, sau khi đi tiêu, trước khi chế biến thức ăn) thì đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt, sàn nhà cũng là nơi có chứa vi-rút gây bệnh cũng phải đảm bảo sạch sẽ (rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng cloramin B 5%). Nên cho bé nghỉ học hay tránh tiếp xúc với các bé bị bệnh khi ở chung nhà vì bệnh rất dễ lây từ bé này sang bé khác khi tiếp xúc.
BS Trương Hữu Khanh
Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM)