Theo BS Nguyễn Thanh Hải, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), trong các bệnh hay gặp vào mùa hè ở trẻ nhỏ, các bệnh về da tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Rôm sảy
Đây là bệnh về da rất phổ biến. Lúc cơ thể bé tiết mồ hôi, các tuyến bã bị bít nghẽn khiến mồ hôi không thoát ra được, tạo thành những vết sần nhỏ màu đỏ và những mụn nước li ti trên da, khiến bé ngứa ngáy, quấy khóc.
Khi bé bị rôm sảy, cha mẹ nên tắm cho bé hằng ngày bằng nước sạch, ấm từ 35 – 370C. Những phương pháp dân gian như dùng trà xanh hay mướp đắng (khổ qua) đun lên, lọc lấy nước tắm cho bé cũng rất tốt.
Để phòng tránh rôm sảy, cha mẹ cần:
- Giữ cơ thể bé luôn khô thoáng và mát mẻ: tắm rửa hằng ngày, cho bé mặc trang phục nhẹ, mềm, thấm hút mồ hôi, sinh hoạt trong môi trường mát mẻ.
- Không thoa các loại phấn, kem hoặc dầu lên người bé để tránh làm tắc nghẽn các tuyến bã.
Tắm rửa cho bé hằng ngày là biện pháp đơn giản và hiệu quả để phòng bệnh về da cho bé trong những ngày nắng nóng. (Ảnh minh họa)
Chốc lở
Bé hay bị chốc ở vùng đầu, hai bên má, da đầu, tay chân. Biểu hiện ban đầu là các nốt sần hồng ban hoặc dát đỏ, sau có bóng nước to bằng hạt đậu trở lên, chứa dịch màu vàng trong, khoảng 24 giờ sau chuyển thành dịch đục và hóa mủ. Sau khi lành bệnh, các nốt này sẽ để lại các vết thâm trên bề mặt da.
Tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu để bệnh trở nặng và không được điều trị kịp thời có thể sẽ gây biến chứng nặng, thậm chí gây tử vong. Vì vậy, cha mẹ cần phòng bệnh cho bé bằng cách giữ da bé luôn sạch sẽ và khô ráo, tắm rửa hằng ngày và rửa tay bằng nước sạch với xà phòng sát khuẩn cho bé; đồng thời chú ý chế độ dinh dưỡng để bé được tăng cường sức đề kháng, phòng tránh bệnh.
Hăm da
Khi bé đổ mồ hôi nhiều mà không được thông thoáng, da bị tổn thương khiến bé bị hăm. Phần da hăm có thể gây ra mụn nhọt, bị trầy xước gây nhiễm khuẩn hoặc có thể nhiễm nấm do ẩm ướt. Hăm có thể gặp khi bé bị tiêu chảy, sốt, mọc răng, hay dùng nhiều kháng sinh… và thường gặp nhiều nhất ở bé từ 6 - 12 tháng. Nếu thấy da bé bị ửng đỏ kéo dài trên 3 ngày hoặc lan rộng thì có thể vùng da đó đã bị bội nhiễm hay nhiễm nấm, cần phải được khám và điều trị kịp thời.
Để phòng hăm da, bé cần được:
- Mặc đồ với chất liệu thoáng mát, vừa vặn, không chật quá cũng không rộng quá.
- Với bé đang quấn tã, cha mẹ nên chú ý rằng tã nhỏ hơn hoặc quá rộng đều không có lợi cho da của bé. Cha mẹ cũng nên chọn loại tã có tính thấm nước cao, và phải thay tã mới thường xuyên khi tã không còn khả năng thẩm thấu.
- Cho bé bú mẹ nhiều để tránh nhiễm khuẩn.
Thanh Tâm