Đau mắt đỏ là một bệnh rất hay gặp ở các bé. Mùa hè, chứng đau mắt đỏ càng có nguy cơ lan rộng. Nhiều người nghĩ rằng bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây: chỉ lỡ nhìn vào mắt người đang bị đau mắt đỏ là lây liền. Vậy, nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có lây hay không?
Thực ra, bệnh đau mắt đỏ chỉ lây khi tiếp xúc với dịch tiết từ mắt (rỉ mắt). Bé có thể bị mắc chứng đau mắt đỏ nếu tiếp xúc, dùng chung đồ vật (nhất là khăn mặt) với người bị bệnh.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau mắt đỏ, bên cạnh nhiễm trùng là thường gặp nhất, còn do phản ứng với thời tiết như khi trời lạnh, dị ứng ở bé có cơ địa nhạy cảm với phấn hoa, cỏ dại, lông động vật, bụi bẩn…
Khi bị bệnh, bé sẽ bứt rứt, khó ở trong người. Vùng lòng trắng mắt đỏ lên, nhiều ghèn tơ nhầy trong hoặc chuyển vàng. Ghèn có thể dính chặt mắt bé lúc ngủ dậy, có khi phải thấm nước ấm hoặc nước muối mới mở mắt được. Vùng lòng đen mắt vẫn trong, bóng bình thường. Thường bệnh lui khỏi sau một tuần hoặc hơn nếu giữ vệ sinh tốt và chữa trị tích cực. Chữa “lai rai”, dùng khăn mặt và nước rửa không tốt có thể dẫn tới hậu quả không tốt cho mắt bé. Nếu mắt bé ngày một đỏ hơn, sưng phồng kèm theo sốt, cha mẹ nên đưa bé đi khám càng sớm càng tốt. Đau mắt đỏ có thể gây thành dịch, nhất là trong trường học.
Nếu trong gia đình hay xung quanh có bé bị đau mắt đỏ, điều cần thiết là phòng tránh lây lan cho các bé khác. Bé thường có thói quen mút tay, dụi mắt nên vi trùng sẽ theo tay vào mắt gây bệnh, nên quan trọng nhất là phải rửa tay sạch cho bé và cha mẹ khi chăm sóc bé. Sử dụng khăn mặt, giấy vệ sinh, thuốc nhỏ mắt riêng cho từng thành viên trong nhà. Sau khi chăm sóc mắt cho bé xong, cha mẹ nên vứt bỏ giấy, rửa sạch khăn và rửa tay với xà phòng diệt khuẩn.
BS. Trần Thị Hồng Tâm, BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM)