Khi bị viêm mũi dị ứng do phấn hoa, bé thường hắt hơi từng cơn dài trong nhiều giờ; nước mũi trong, nhiều, ngạt mũi, ngứa ngáy khó chịu; nhức đầu, đôi khi căng ở vùng xoang mặt; cảm giác rát bỏng ở kết mạc, vòm họng; mắt đỏ, nước mắt giàn giụa, sợ ánh sáng; các cơn xuất hiện nhiều lần trong ngày, tối dịu đi.
Nguyên nhân nào khiến bé dị ứng trong mùa xuân?
Dị ứng phấn hoa tưởng do thời tiết
Mẹ bé Kem có sở thích cắm hoa. Mùa nào hoa đó, nhà Kem tràn ngập sắc màu của hoa. Mẹ của Kem bảo, có lọ hoa, trông nhà cửa sáng sủa hẳn lên. Thế nhưng, mẹ Kem phải chia tay với sở thích này khi bác sĩ xác định cơ địa của Kem dị ứng với phấn hoa.
Kem thường xuyên có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi… Mỗi lần như thế, mẹ đều cho bé dùng thuốc nhưng những cơn hắt hơi chỉ giảm đi chứ không hết. Lần này, những cơn hắt hơi kéo dài hơn khiến nước mắt, nước mũi Kem chảy, làm bé khó chịu. Thêm vào đó, Kem còn kêu nhức đầu mặc dù chẳng sốt. Lo lắng, mẹ đưa Kem đi khám bác sĩ. Sau khi hỏi han cặn kẽ, bác sĩ loại trừ khả năng Kem bị viêm mũi thông thường do thời tiết mà nghi bé dị ứng với một loại vi khuẩn nào đó. Khi trò chuyện với mẹ Kem, bác sĩ cho rằng Kem bị dị ứng phấn hoa bởi các đợt dị ứng kéo dài không dứt, nhà cửa sạch sẽ nhưng hay có hoa... Lúc này, mẹ Kem mới nghĩ lại, đúng là mỗi lần mẹ mua hoa tươi về cắm, Kem thường ngồi giúp mẹ. Sau đó, các biểu hiện dị ứng tăng nhanh hơn.
Phòng tránh đơn giản mà hiệu quả
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội chia sẻ, viêm mũi dị ứng là bệnh dị ứng của toàn thân, có biểu hiện tại chỗ, thường là những cơn hắt hơi, sổ mũi và tắc mũi. Nguyên nhân gây bệnh rất nhiều: do dị nguyên gây bệnh (phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, vải sợi, lông gia súc, gia cầm), do thực phẩm (dứa, tôm, cua, cá), do thuốc, do vi khuẩn...
Khi bị viêm mũi dị ứng do phấn hoa, bé thường hắt hơi từng cơn dài trong nhiều giờ; nước mũi trong, nhiều, ngạt mũi, ngứa ngáy khó chịu; nhức đầu, đôi khi căng ở vùng xoang mặt; cảm giác rát bỏng ở kết mạc, vòm họng; mắt đỏ, nước mắt giàn giụa, sợ ánh sáng; các cơn xuất hiện nhiều lần trong ngày, tối dịu đi. Khi bé đi ra ngoài, dạo phố hoặc về nông thôn, các triệu chứng sẽ nặng hơn và bé thấy dễ chịu khi đóng cửa, ở trong nhà hoặc khi trời mưa. Bệnh hay gặp ở người sống ở thành thị, xuất hiện vào thời kỳ đầu của mùa hoa, đặc biệt là mùa xuân, mùa của hoa nở.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo: Đối với những bé có cơ địa dị ứng với phấn hoa, cha mẹ nên:
- Sử dụng thuốc chống dị ứng cho bé.
- Cho bé sống ở nơi thoáng mát, không khí trong lành. Nhà cửa cần sạch sẽ và thoáng mát.
- Đeo khẩu trang cho bé khi đi đường.
- Không nên để vật nuôi trên giường vì phấn hoa có thể bám trên lông của chúng.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với phấn hoa, đặc biệt những khu vực có lượng phấn hoa cao.
Gia Huy