Tiết trời trở lạnh là thời điểm các bé dễ nhiễm bệnh về hô hấp, tiêu hóa vì khí hậu lạnh là môi trường thuận lợi cho các loại vi-rút, vi khuẩn hô hấp, tiêu hóa phát triển. Để giúp bé phòng các bệnh này, cha mẹ cần lưu ý các vấn đề sau:
Chăm sóc bé
- Cho bé mặc đồ ấm để giữ thân nhiệt của bé được ổn định.
- Cho bé ngủ ở nơi đủ ấm, thoáng. Nếu nằm phòng có máy điều hòa thì để ở nhiệt độ phù hợp (khoảng 280C). Nơi ở sạch sẽ, tránh ẩm thấp vì môi trường ẩm thấp là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển.
- Chú ý thay quần áo, lau khô ngay cho bé khi bé bị đổ mồ hôi nhiều, tránh thấm ngược vào người bé gây cảm lạnh.
- Tắm cho bé bằng nước ấm, tắm nhanh, không ngâm nước lâu.
- Tiêm phòng cho bé những bệnh hay gặp trong mùa lạnh: viêm não, viêm màng não, cúm, trái rạ (thủy đậu), sởi, quai bị, rubbella, tiêu chảy…
- Cần cách ly với những bé bệnh để tránh bé bị nhiễm bệnh và lây lan thành dịch bệnh.
- Hạn chế đưa bé ra ngoài khi trời lạnh. Nếu có việc cần đi xa phải “trang bị” đầy đủ: mặc ấm, đội mũ (nón), khẩu trang, kính…
- Nếu có triệu chứng bệnh, cha mẹ nên đưa bé đến bác sĩ ngay, không tự ý điều trị, nhất là tự điều trị bằng kháng sinh.
Dinh dưỡng
- Không cho bé ăn, uống các loại thức ăn, nước uống để lạnh, có đá lạnh.
- Nên cho bé ăn thức ăn vừa nấu xong, còn ấm để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, không cho bé ăn thức ăn có tính nóng: gừng, tiêu, ớt… vì sẽ gây hại cho dạ dày của bé.
- Nên cho bé ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là các vitamin và chất khoáng có trong các loại rau xanh và trái cây tươi để tăng sức đề kháng cho bé.
- Có thể cho bé ăn nhiều chất béo hơn để tăng năng lượng vì bé có thể phải tiêu hao năng lượng nhiều hơn để tạo nhiệt, giúp cơ thể ấm hơn, ít nhiễm bệnh hơn.
- Nếu bé bị bệnh, nên cho bé ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp loãng, không nên cho bé ăn thức ăn nấu chưa chín hẳn vì sẽ khiến bé bị đầy bụng, khó tiêu.
BS. CK1 Nguyễn Thùy Trang
Trung tâm Dinh dưỡng (TP.HCM)