Năm 1935, các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện ra 1 loài vi-rút cũng gây nên bệnh viêm não và gọi đó là vi-rút viêm não Nhật Bản. Đến năm 1938, các nhà khoa học này cũng tìm ra vai trò truyền bệnh của muỗi, vai trò vật chủ và ổ chứa chính của vi-rút này là loài lợn và chim. Ở Việt Nam, năm 1952, bệnh được ghi nhận ca đầu tiên.
Viêm não Nhật Bản là tình trạng viêm cấp tính não bộ, bệnh có tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao; là bệnh chung của nhiều bé ở các nước nhiệt đới nóng ẩm. Muỗi là trung gian gây bệnh cho người. Đây là loài muỗi Culex tritaeniorhynchus, hút máu lợn hoặc chim có chứa vi-rút, sau đó chích (đốt) người và lây vi-rút gây bệnh cho người. Người mắc bệnh viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp sang cho người khác mà chỉ khi muỗi chích chim và lợn mang mầm bệnh mới lây được và không phải tất cả người bị muỗi mang mầm bệnh chích đều phát bệnh viêm não, tỷ lệ phát bệnh chỉ khoảng 1/200. Bệnh thường gặp ở vùng nông thôn, có trồng lúa nước và chăn nuôi lợn. Ở nông thôn miền Bắc, bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 10 và cao điểm là tháng 7, lúc mùa trái vải chín rộ.
Phát hiện bệnh sớm để ngăn chặn các di chứng lâu dài
Trên 90% các trường hợp bệnh viêm não Nhật Bản là trẻ em, nhất là bé 2 - 8 tuổi. Bé mắc bệnh có khởi bệnh ban đầu với các triệu chứng như cảm cúm thông thường: sốt cao, đau đầu, nôn ói, ăn kém, có thể kèm ho, tiêu chảy, sau 1 - 2 ngày, bé xuất hiện co giật và hôn mê. Đôi khi có bé khởi bệnh rất đột ngột trong ngày đầu với biểu hiện sốt cao, co giật, hôn mê và tử vong rất nhanh.
Đối với bé có sức đề kháng tốt và động lực của vi-rút không cao, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, sau khi hôn mê, ngưng thở… 3 - 5 ngày, bé bắt đầu hồi phục dần. Thời gian hồi phục hoàn toàn có khi kéo dài nhiều tuần, bé có thể khỏi bệnh và không có di chứng. Tuy nhiên, một số bé sau khi lành bệnh sẽ có các di chứng lâu dài như yếu tay chân, động kinh, chậm phát triển trí tuệ và di chứng nặng nhất là sống đời sống thực vật. Để điều trị kịp thời, cha mẹ phải đưa bé đến bệnh viện ngay khi thấy bé sốt cao, nôn ói, đau đầu hoặc co giật, hôn mê.
Đối với bé có triệu chứng như cảm cúm ban đầu, việc quan trọng là theo dõi các triệu chứng này. Nếu thấy triệu chứng tăng dần hay không giảm, cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để xác định bệnh.
Phòng ngừa bệnh hiệu quả
Để phòng ngừa viêm não Nhât Bản, cha mẹ phải tránh cho bé bị muỗi chích bằng cách ngủ mùng (màn), môi trường quanh nhà cần thông thoáng, không để nhiều bụi rậm, nước đọng; những bé đi chơi đến vùng nông thôn nên chuẩn bị tiêm phòng trước đó 10 ngày.
Tiêm phòng cũng là cách phòng bệnh hiệu quả và Việt Nam cũng đã sản xuất được vắc-xin ngừa bệnh.
Bé có thể bắt đầu tiêm phòng viêm não Nhật Bản từ 12 tháng tuổi, và để có hiệu quả nên tiêm đúng lịch: liều 2 cách liều đầu 7 - 14 ngày; liều 3 lặp lại 1 năm sau liều 2.
BS Trương Hữu Khanh
Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)