Các bé là đối tượng rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường xung quanh, đặc biệt khi thời tiết thay đổi. Đó là nguyên nhân mỗi khi chuyển mùa tại các bệnh viện số bé mắc bệnh tăng cao. Các bệnh bé hay mắc thường liên quan đến đường hô hấp như viêm họng, ho, sổ mũi…
Bé nhạy cảm với thời tiết
Đêm và sáng, tiết trời se lạnh, gió nhẹ nhưng đến trưa, chiều trời lại nắng nóng, thi thoảng có mưa nhỏ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu với sự thay đổi thời tiết trong một ngày. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, biên độ nhiệt độ trong ngày thay đổi cao, bé chưa thích ứng kịp nên rất dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh đường hô hấp, sốt virus. Nhiều ca bố mẹ nghĩ bệnh của con đơn giản, tự chữa ở nhà, đến khi chuyển đến viện thì đã viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Đặc biệt là bé dưới 6 tháng tuổi còn yếu, bệnh rất dễ chuyển biến nặng nếu không được chữa trị ngay từ đầu.
PGS.TS Dũng phân tích, trong những năm đầu đời, cấu trúc giải phẫu, hệ miễn dịch của bé đang trong quá trình phát triển, chưa hoàn thiện. Vì thế, sức đề kháng của bé yếu, dễ mắc bệnh liên quan đến hô hấp khi điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột, nhất là trong thời điểm giao mùa từ nóng sang lạnh. Những bé có tiền sử sinh non, bệnh mãn tính, dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch bẩm sinh có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cao hơn.
Các bệnh bé dễ mắc khi giao mùa
- Nhiễm khuẩn hô hấp trên bao gồm các trường hợp viêm mũi - họng, viêm amidan, viêm tai giữa, ho và cảm lạnh. Viêm đường hô hấp trên thường gặp và diễn biến nhẹ. Viêm đường hô hấp trên chia làm 2 loại là cấp tính và mạn tính. Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên cấp tính sẽ diễn biến trong vòng vài ba ngày với các dấu hiệu sốt cao hoặc vừa ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, mất giọng. Ở bé dưới 1 tuổi đôi khi nôn nhiều, quấy khóc. Khi bị bội nhiễm các vi khuẩn trên, bệnh sẽ diễn biến nặng lên, bé hay bị viêm phế quản, viêm phổi. Khi bị viêm đường hô hấp trên cấp tính mà không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm thì rất dễ chuyển thành mạn tính.
- Viêm đường hô hấp dưới với biểu hiện rõ nhất là viêm phế quản phổi. Bé viêm phế quản phổi ở giai đoạn khởi phát chỉ bị sốt nhẹ, người mệt mỏi, quấy khóc, ăn kém. Ở giai đoạn toàn phát bé sốt cao hoặc có thể bị hạ nhiệt độ, ho khan, chảy nước mũi và bắt đầu xuất hiện đờm. Lúc này bé thấy khó thở, cách mũi phập phồng, thở nhanh. Đối với bé sơ sinh, bé đang còn bú có những triệu chứng và dấu hiệu: trướng bụng, da xanh tím, giảm trương lực cơ...
- Cảm, cúm là bệnh về đường hô hấp do vi rút. Bệnh lây lan qua nước bọt, nước mũi/đờm của người mang bệnh. Người bị cảm thường bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, ho, sưng họng hoặc mệt mỏi. Bệnh cúm thường có triệu chứng sốt, đau các cơ, ho khan, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu và mệt mỏi.
- Tiêu chảy: Tác nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả...) hoặc virus, nấm, kí sinh trùng đường ruột. Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% xảy ra ở bé dưới 2 tuổi. Hãy cho bé uống nhiều nước như oresol, nước quả. Nếu bé bị tiêu chảy nhiều, hãy sớm đưa bé đến các trung tâm y tế để được xử lí bệnh sớm và đúng cách.
Phòng, chữa bệnh
PGS.TS Dũng có lời khuyên, nhiều bố mẹ căn cứ vào dấu hiệu bé bị ho, sốt để cho con đi khám nhưng trên thực tế đây không phải là những dấu hiệu đặc hiệu của bệnh. Để nhận biết bệnh nặng hay nhẹ cần chú ý tìm hiểu nguyên nhân gây triệu chứng đó ở bé, cho bé ăn uống hợp lý, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, điều chỉnh chế độ chơi và theo dõi thêm các triệu chứng kèm theo. Chẳng hạn bé chỉ bị hắt hơi sổ mũi thì không cần đưa đi viện ngay mà cần làm sạch đường thở. Tuy nhiên cũng không được chủ quan, bởi có những bé không sốt, ho những vẫn bị viêm phổi nặng. Với lứa tuổi này, nếu thấy bé bú ít hơn ngày thường, ngủ nhiều hơn bình thường, khóc khi bú hoặc thấy con thở nhanh, thấy rõ hai cánh mũi phập phồng… thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng.
Để phòng bệnh trong thời tiết giao mùa hiện nay cần chú ý giữ ấm cho bé, gần sáng và đêm thì nên mặc quần áo ấm, tốt nhất với bé em khi đi ngủ nên cho đi tất chân, choàng cổ, hạn chế nằm điều hòa, tăng cường dinh dưỡng, không uống nước đá, cho bé xúc miệng bằng nước muối loãng để tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp... Ngoài ra, cha mẹ nên tắm cho con vào buổi trưa khi trời ấm, vì nếu tắm buổi tối, bé rất dễ bị nhiễm lạnh.
Bảo Châu