Đau bụng ở bé rất khó chẩn đoán, đặc biệt là bé dưới 3 tuổi. Vì vậy, cần theo dõi kỹ từng tiếng khóc, động thái, tư thế, sự thay đổi màu sắc của da và niêm mạc, theo dõi chất nôn, theo dõi phân, đồng thời phải kết hợp với khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm mới đưa ra chẩn đoán đúng.
Trong thực tế, bé đau bụng do nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân có từ khi bé mới sinh như teo ruột, tắc ruột bẩm sinh, thận niệu quản đôi, bệnh ác tính; có nguyên nhân mắc phải như bé ăn phải thức ăn nhiễm trùng, nhiễm độc; có nguyên nhân ngoài ổ bụng như: bệnh động kinh, bệnh về máu hay bé nuốt vào bụng những dị vật sắc, nhọn gây biến chứng thủng ruột; và còn có thể do bệnh ở các cơ quan khác trong cơ thể.
Đau bụng ở bé rất khó chẩn đoán, đặc biệt là bé dưới 3 tuổi. Vì vậy, cần theo dõi kỹ từng tiếng khóc, động thái, tư thế, sự thay đổi màu sắc của da và niêm mạc, theo dõi chất nôn, theo dõi phân, đồng thời phải kết hợp với khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm mới đưa ra chẩn đoán đúng.
Việc theo dõi sự thay đổi màu sắc của da và niêm mạc, chất nôn, chất phân, tư thế của bé rất quan trọng trong định hướng chẩn đoán. Chẳng hạn, da và mắt bé trở nên vàng phải nghĩ đến bệnh lý ở gan. Bé đi tiêu phân trắng nghĩ đến bệnh về đường mật, phân có máu là bệnh lý ở đường tiêu hoá. Bé tiểu dắt, tiểu buốt, tiểu ra mủ là bệnh phát sinh ở đường niệu. Nếu bé đau bụng hay nằm sấp chổng mông thường là giun chui ống mật. Nếu bé kêu khóc, đau hố chậu phải kèm có sốt, bí tiểu tiện thường do viêm ruột thừa...
Muốn phát hiện bé đau bụng do nguyên nhân gì thì cha mẹ cần cung cấp cho bác sĩ tất cả những dấu hiệu khi bé đau bụng biểu hiện ra ngoài, cần mang chất nôn, phân, nước tiểu để bác sĩ xem và tiến hành xét nghiệm, chẩn đoán bệnh.
Tuyệt đối không được cho bé uống các thuốc giảm đau hay an thần vì các thuốc này sẽ làm mất hoặc giảm đi các triệu chứng của một số bệnh cấp tính như viêm ruột thừa, viêm phúc mạc, viêm túi mật, tắc ruột.... làm nguy hiểm đến tính mạng của bé.
BS. Nguyễn Văn Lộc
Nguyên phó Giám đốc Viện Nhi TƯ