Bệnh chàm sữa không lây, dễ tái phát. Khi bị bệnh, bé cần được chăm sóc đầy đủ, sống trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát, dinh dưỡng hợp lý.
Cả tuần nay, trên hai má bé Bum, 9 tháng tuổi (Minh Khai, Hà Nội) xuất hiện những đám da nổi mẩn đỏ, rồi có mụn nước, khiến bé ngứa ngáy, khó chịu và quấy khóc liên tục. Mua thuốc về bôi cho bé 3 ngày mà không đỡ, chị Hoa (mẹ Bum) lo lắng, đưa bé đi khám thì được bác sĩ cho biết bé bị chàm sữa.
Theo BS.CK1 Phạm Thị Thục, nguyên Trưởng phòng khám Nhi, BV Bạch Mai, chàm sữa là hiện tượng viêm da thường gặp ở các bé. Bệnh rất dễ tái phát khi thời tiết thay đổi hoặc ăn phải thực phẩm gây dị ứng, chỉ đến khi 2 tuổi, bé mới “đỡ” mắc bệnh hơn.
Bệnh chàm sữa thường xảy ra đối với những bé có tiền sử bản thân hoặc gia đình có cơ địa dị ứng. Nguyên nhân của bệnh hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Bệnh không lây nhưng lại gây khó chịu, khiến bé quấy khóc, khó ngủ, lười ăn. Vị trí da bị chàm sữa thường ở hai bên má, da đầu, trán, khi nặng sẽ lan xuống dưới cánh tay, khuỷu tay, thân…
Khi bị chàm sữa, ban đầu, trên hai má bé xuất hiện những mảng ban hồng, sẩn, rồi lan rộng và trở thành những mụn nước nhỏ li ti, có chỗ tróc vảy, sau đó vỡ ra, chảy nước khiến bé khó chịu, ngứa ngáy, gãi liên tục.
Thực phẩm, môi trường sống, hóa mỹ phẩm, khí hậu,… chính là những yếu tố có thể gây bệnh hoặc khiến bệnh nặng hơn. Vì vậy, nếu bé hoặc người trong gia đình có cơ địa dị ứng hay bé đã từng bị chàm sữa, cha mẹ hãy chú ý để hạn chế tối đa các nguy cơ cho bé.
BS Thục cho biết, thông thường, để điều trị, các bác sĩ thường không kê kháng sinh mà chỉ cho bé sử dụng các dung dịch sát khuẩn nhẹ như hồ nước, khi cần thiết có thể dùng thêm những dung dịch giữ ẩm và chống viêm cho da.
Chăm sóc tại nhà là việc làm quan trọng để giúp bé lành bệnh. BS Thục khuyến cáo cha mẹ không nên cho bé tiếp xúc với những chất tẩy rửa mạnh, gây kích ứng da như xà phòng, bột giặt, thuốc tẩy… Bé cần được mặc quần áo đủ rộng, thoáng mát, thấm mồ hôi, tránh những loại chất liệu như bông, len… Môi trường sống, nhà cửa cũng cần thông thoáng, sạch sẽ, tránh bụi bặm, khói thuốc, cũng như không để thú nuôi trong nhà. Dinh dưỡng cho bé cũng cần phải đầy đủ, đa dạng, nhưng tránh những thực phẩm gây nguy cơ dị ứng như hải sản, trứng, thịt bò, thịt gà, thực phẩm lên men… Bé hay gãi khiến các mụn nước vỡ ra, làm bệnh nặng hơn nên cha mẹ cần cắt móng tay cho bé. Trong quá trình bé bị bệnh, cha mẹ cũng không nên cho bé tiêm phòng để tránh làm bệnh nặng thêm. Ngoài ra, bé vẫn cần được tắm rửa hằng ngày (không nên tắm lâu), có thể sử dụng những dung dịch sữa tắm dịu nhẹ, có độ pH trung tính, thích hợp riêng cho da bị chàm.
Mai Huy