Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 8.500 bé sinh ra bị bệnh tim bẩm sinh, trong đó cần phải phẫu thuật là 4.000 ca. Các bệnh tim bẩm sinh thường gặp là thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch và tứ chứng Fallot. Chăm sóc tốt là một trong những điều kiện quan trọng để phẫu thuật cho bé.
Bé bệnh tim có đặc điểm là hệ thống đường tiêu hóa và gan mật có những xáo trộn khiến bé không hấp thu được các chất ăn vào hoặc có những dị tật bẩm sinh ở đường tiêu hóa gan mật đi kèm làm bé không tiêu hóa được thức ăn. Bên cạnh đó, vì bé bị suy tim nên khó thở, ăn uống và bú rất kém. Vì vậy, bé có bệnh tim thường bị suy dinh dưỡng, suy kiệt, rất khó tăng cân, ảnh hưởng nhiều đến việc phẫu thuật tim của bé.
Bên cạnh đó, bé bệnh tim thường phải có chế độ ăn kiêng khem, phải tiêu hao rất nhiều năng lượng do bé phải thở nhanh và thường xuyên bị sưng phổi, sốt. Tuy nhiên, thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa bú hoặc ăn không khác gì so với bé bình thường. Nếu bé suy dinh dưỡng, cha mẹ phải sử dụng những loại sữa có năng lượng cao, những thực phẩm giàu năng lượng, giúp cho số lượng thức ăn hoặc sữa ăn vào không thay đổi nhưng bé được cung cấp một năng lượng cao hơn bình thường, và bé chóng tăng cân. Không cho bé bú hoặc ăn quá no vì bé rất khó tiêu nên sẽ dễ bị ói. Cũng cần chia bữa ăn hoặc số lần bú ra nhiều lần hơn so với bình thường.
BS Nguyễn Văn Đông, nguyên Trưởng khoa Tim mạch, BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM) chia sẻ: Bé bị bệnh tim thường chậm tăng trọng, do tiêu hao năng lượng cho chức năng hô hấp. Vì thế, tốt nhất là nuôi bé bằng sữa mẹ và chia làm nhiều cữ bú trong ngày. Cho bé nghỉ ngơi, tránh kích thích hoặc các nguyên nhân làm bé khóc như tã ướt, đói bụng, tiếng ồn, người lạ… Cho bé nằm đầu cao 30 độ, tránh tiếp xúc với bé khác hoặc người lớn đang bị bệnh đường hô hấp, tiêu hóa.
TS.BS Vũ Minh Phúc, Trưởng Khoa Tim mạch, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) lưu ý: Cho bé bú mẹ hoàn toàn, bất cứ khi nào bé muốn, cả ngày lẫn đêm, ít nhất 8 lần mỗi ngày. Cần lưu ý không cho bé bú bằng bình sữa mà cho bé ăn bằng cốc và thìa.
- Đối với bé 4 - 6 tháng tuổi: chỉ cho bé ăn thêm nếu thấy bé vẫn còn đói sau mỗi lần bú no hoặc không tăng cân như bình thường.
- Bé từ 6 - 12 tháng tuổi: cho bú mẹ cả ngày lẫn đêm, bất cứ khi nào bé muốn, ăn dặm các thức ăn giàu chất dinh dưỡng (3 bữa/ngày nếu bé còn bú mẹ và 5 bữa/ngày nếu bé không còn bú mẹ). Cho bé ăn thêm các loại hoa quả.
- Bé từ 12 tháng đến 2 tuổi: cho bú mẹ bất cứ lúc nào bé muốn, ăn dặm các thức ăn giàu chất dinh dưỡng, 3 – 5 bữa/ngày.
- Bé 2 tuổi trở lên: cho ăn 3 bữa cùng gia đình với thực đơn đủ chất dinh dưỡng và xen giữa các bữa chính nên cho bé ăn thêm ít nhất 2 bữa phụ là sữa, bánh, hoa quả…
Duy Hương