Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ước tính, hằng năm có khoảng 150 triệu đợt viêm phổi xảy ra ở trẻ em các nước đang phát triển, trong đó có khoảng 11 triệu bé cần phải nhập viện.
“Hung thần” với của bé
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bé dưới 5 tuổi có thể mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính từ 5-8 lần/năm. Trong phần lớn trường hợp, bé có thể tự khỏi trong vòng 10-14 ngày nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, khoảng 1/4 các trường hợp, bệnh sẽ diễn tiến thành viêm phổi và cần phải được điều trị cẩn thận để tránh biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ước tính, hằng năm có khoảng 150 triệu đợt viêm phổi xảy ra ở trẻ em các nước đang phát triển, trong đó có khoảng 11 triệu bé cần phải nhập viện. Dù hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị, nhưng viêm phổi vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Theo số liệu gần đây của UNICEF và WHO, viêm phổi đã giết chết 2 triệu trẻ em mỗi năm, nhiều hơn tử vong của AIDS, sốt rét và sởi cộng lại. Ước tính mỗi ngày, trên thế giới có khoảng 4.300 bé tử vong do viêm phổi, nghĩa là cứ 20 giây lại có 1 bé tử vong do viêm phổi.
Riêng tại Việt Nam, hằng năm có khoảng 2,9 triệu lượt bé mắc viêm phổi và do vậy, nước ta được xem là 1 trong 15 quốc gia có số lượng bé mắc viêm phổi nhiều nhất thế giới. Hằng năm vẫn có khoảng 4.000 trẻ em Việt Nam chết vì viêm phổi.
Như thế, đúng như nhận định của các chuyên gia, viêm phổi chính là “hung thần” hằng ngày đe dọa trẻ em ở các nước đang phát triển.
Đừng để quá muộn
Việc phát hiện và điều trị sớm viêm phổi có thể giúp chúng ta ngăn chặn kịp thời lưỡi hái của “hung thần” này. Không chỉ trông chờ hoàn toàn vào các bác sĩ mà mỗi bậc cha mẹ tự mình cũng có thể góp phần thực hiện được điều này.
Trong thực tế, khi bé ho, 3 câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra và có thể tự tìm thấy câu trả lời ngay tại nhà là:
Làm thế nào để phát hiện thật sớm là bé bị viêm phổi?
Dựa theo các công trình nghiên cứu khoa học quy mô tại nhiều nơi trên thế giới, WHO đã thấy rằng: Thở nhanh là triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi bé bị viêm phổi. Đây cũng là triệu chứng rất dễ phát hiện ở mọi lúc, mọi nơi chỉ bằng đồng hồ có kim giây. Cha mẹ có thể đếm được nhịp thở của bé trong trọn một phút để xem bé có thở nhanh hay không. Gọi là thở nhanh khi nhịp thở của bé từ 60 lần/phút trở lên (bé dưới 2 tháng), từ 50 lần /phút trở lên (bé từ 2- 11 tháng) và từ 40 lần /phút trở lên (bé từ 12 tháng đến 5 tuổi). Khi thở nhanh, bé đã có triệu chứng viêm phổi, cần được đưa đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị ngay.
Khi nào bé đã bị viêm phổi nặng, cần nhập viện?
Đó là khi bé có dấu hiệu thở co lõm lồng ngực, nghĩa là khi bé hít vào, phần dưới lồng ngực của bé sẽ bị lõm vào thay vì nở ra như bình thường. Để nhận ra chính xác dấu hiệu này, cha mẹ cần vén áo bé cao lên để thấy rõ vùng ngực và bụng bé, quan sát khi bé nằm yên, không bú, không khóc.
Khi nào cần cho bé đi cấp cứu ngay:
Đó là khi bé có 1 trong những dấu hiệu nguy hiểm sau:
- Bé dưới 2 tháng: bỏ bú hoặc bú kém (bú ít hơn 1/2 lượng sữa bình thường vẫn bú), co giật, ngủ li bì, khó đánh thức, sốt hoặc hạ nhiệt độ, thở khò khè.
- Bé từ 2 tháng - 5 tuổi: không thể uống được gì, co giật, ngủ li bì, khó đánh thức, thở có tiếng rít.
Đây là các dấu hiệu cho biết có thể bé đang trong tình trạng nguy kịch, tính mạng đang bị đe dọa, cần phải đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay lập tức để còn có thể cứu sống.
ThS.BS. Thầy thuốc ưu tú Trần Anh Tuấn
Trưởng khoa Hô hấp - BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)