Lệch khúc xạ là hiện tượng mắt bé có sự khác nhau về khúc xạ giữa hai mắt, có thể là một mắt bị cận thị còn mắt kia viễn thị hoặc cả hai mắt cùng cận, cùng viễn nhưng khác nhau về mức độ. Đôi khi, một bên mắt bé bình thường còn mắt kia bị cận, viễn hoặc loạn thị.
Nếu hiện tượng lệch khúc xạ giữa hai mắt bé không nhiều thì chức năng thị giác ít bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu tình trạng khúc xạ giữa 2 mắt bé chênh lệch nhau quá lớn thì sẽ gây rối loạn chức năng thị giác hai mắt và gây ra các biến chứng nặng như nhược thị, lác…
Nhược thị là hậu quả nặng nề hay gặp nhất của những trường hợp bị lệch khúc xạ cao không được điều trị. Theo nghiên cứu, nếu mắt bé lệch khúc xạ do viễn thị hoặc loạn thị giữa hai mắt trên + 1.50D hoặc lệch khúc xạ do cận thị giữa hai mắt trên – 4.00D là mắt bé có nguy cơ nhược thị.
Hiện tượng lệch khúc xạ giữa hai mắt có thể được điều chỉnh bằng cách đeo kính gọng, kính tiếp xúc hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, việc đeo kính gọng trên thực tế chỉ có thể áp dụng với những trường hợp bị lệch khúc xạ nhẹ. Ở trẻ em, vì khả năng dung nạp kính lệch khúc xạ khá tốt, nên kính gọng là giải pháp an toàn. Với những trường hợp lệch khúc xạ cao, nhất là ở người lớn, việc đeo kính đúng số của mỗi mắt sẽ gây cho bệnh nhân cảm giác rất khó chịu, nhiều khi không thể đeo được. Trong trường hợp này, bệnh nhân nên được đeo kính tiếp xúc hoặc phẫu thuật khúc xạ.
Kính tiếp xúc được xem là giải pháp tốt trong điều chỉnh lệch khúc xạ giữa hai mắt vì nó tránh được hiện tượng bất đồng hình ảnh trên võng mạc và hiệu ứng lăng kính giữa hai mắt, tạo điều kiện cho thị giác hai mắt phát triển tốt. Nhưng phương pháp này dễ gây nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm ở kết mạc, giác mạc nếu không được vệ sinh tốt, đặc biệt trong trong điều kiện hoàn cảnh Việt Nam. Trong những năm gần đây, với sự ra đời của phương pháp phẫu thuật khúc xạ bằng Laser Excimer, những người bị tật khúc xạ nói chung và lệch khúc xạ nói riêng, có thể tránh được những khó chịu và bất tiện của việc đeo kính nhờ giải quyết triệt để tật khúc xạ của mỗi mắt bằng phẫu thuật.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải phát hiện sớm tật khúc xạ và lệch khúc xạ, đặc biệt là lệch khúc xạ ở trẻ em và cần cho trẻ đeo kính sớm, đúng độ nhằm giúp phát triển tốt thị giác hai mắt, để ngăn chặn biến chứng nhược thị và lác. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc điều trị lệch khúc xạ bằng phẫu thuật về sau này, vì khi đã bị nhược thị thì phẫu thuật chỉ giúp giải quyết được vấn đề lệch khúc xạ chứ không giúp cải thiện được thị lực.
BS. TS. Nguyễn Xuân Tịnh
Phó Trưởng Khoa Mắt trẻ em, BV Mắt TW