Đông y có nhiều loại thảo dược có chất kháng sinh, hạ sốt, dịu thần kinh, chống dị ứng để trị ho cho bé. Nhiều bài thuốc trị ho từ thảo dược đơn giản, dễ tìm nhưng rất hiệu quả.
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Hội Dược liệu TP. HCM) cho biết: Chữa ho bằng thảo dược rất phù hợp cho bé mới phát bệnh ở những ngày đầu. Bạn có thể tham khảo 5 bài thuốc sau giúp bé chữa ho.
Bài 1: 10g lá cỏ mực (cây nhọ nồi), 5 - 7 lá tần dày lá (húng chanh), 3 ngọn hoa kim ngân, vài lát gừng, một thìa cà phê đường phèn.
Bài 2: 5 - 7 bông lẻ bạn, 1 lá rẻ quạt, 10 hoa đu đủ, 1 thìa cà phê đường phèn.
Bài 3: 1 nhúm lá hẹ, vài lát gừng, 1 thìa cà phê đường phèn.
Bài 4: 10 lá dâu, 10g vỏ của rễ dâu tươi (tang bạch bì), vài lát gừng, 1 thìa cà phê đường phèn.
Bài 5: 2 vỏ quýt, 10 lá tre non (hoặc lá trúc), vài lát gừng, 1 thìa cà phê đường phèn
Các bài thuốc trên cùng một cách làm: cho tất cả nguyên liệu vào nồi, đổ vào khoảng 1 - 2 bát nước, đun trực tiếp hoặc chưng cách thủy từ 10 - 15 phút.
Tần dày lá.
Liều dùng:
- Bé 1 - 5 tuổi: cho uống ngày 10 lần, mỗi lần 1/2 thìa cà phê. Chỉ sau 1 ngày, bạn sẽ thấy tiếng ho của bé thưa dần và cắt hẳn cơn ho trong vài ngày sau.
- Bé trên 5 tuổi: sử dụng liều lượng gấp 3 lần. Duy trì từ 5 - 10 ngày sẽ cho kết quả rất khả quan.
Bạn có thể cho bé uống các bài thuốc trên vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, trước hay sau khi ăn đều được. Vào những ngày uống thuốc, bé không cần phải kiêng kỵ gì cả. Tác dụng của đường phèn là giúp bé dễ uống thuốc hơn, vì vậy, có thể thay đường phèn bằng đường cát hoặc mật ong. Còn gừng có tác dụng chống nôn ói, tiêu đờm, giải cảm, không gây nóng.
Những gia đình ở nông thôn có thể dễ dàng tìm thấy những cây lá trên trong vườn. Còn ở thành phố, bạn có thể tìm những nguyên liệu trên tại các chợ.
Lưu ý khi chữa ho cho bé
Theo Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, bé ho thường đi kèm với sốt. Vì vậy, bạn nên tắm gội cho bé vào buổi sáng, tuyệt đối không nên tắm, đặc biệt là gội đầu cho bé lúc chiều tối. Bởi nếu bé gội đầu vào buổi chiều tối sẽ làm lạnh, ẩm vùng đầu, nơi tập trung các huyệt liên quan đến các hốc xoang, dễ gây viêm, khiến bé ho, sốt nhiều hơn.
Khi bé ho, sốt, bạn cần xem bé có đi tiêu được không. Nếu bé không đi được, cần bơm thuốc vào hậu môn để bé đi tiêu, nhờ vậy bé sẽ đỡ ho sốt. Do hệ bài tiết của bé còn yếu nên khi sốt cao, chỉ cần hậu môn thông thì sẽ bớt ho, sốt. Riêng với những trường hợp ho, sốt cao có co giật, tím tái, khó thở, bạn nên đưa bé đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Quang Khải