Đa số các bệnh não - màng não là những bệnh nặng, dễ gây tử vong và để lại di chứng lâu dài dù đã được điều trị.
Mặt khác, các bệnh do vi-rút thường không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, việc phòng ngừa là rất quan trọng. Các biện pháp phòng ngừa bệnh não - màng não cũng là biện pháp ngừa được nhiều bệnh khác.
Ảnh minh họa.
Nói chung, phòng ngừa bệnh não – màng não do nhiễm trùng chủ yếu là tránh các tác nhân gây bệnh tấn công vào não - màng não.
Vị trí mà các tác nhân thường dễ xâm nhập vào cơ thể nhất là từ vùng tai - mũi - họng. Khi tình trạng miễn dịch kém, do cảm cúm hay do viêm tai giữa, viêm mũi họng mà không được điều trị dứt điểm, các tác nhân sẽ tấn công vào não - màng não. Do vậy, khi bé mắc bệnh viêm nhiễm vùng tai mũi họng, cha mẹ cần cho bé được điều trị kịp thời, không để bé bị viêm tai mũi họng kéo dài.
Ngoài ra, cần cho bé ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Khi thay đổi thời tiết, nên cho bé mặc đủ ấm và không để bé sinh hoạt quá lâu ngoài trời khi thời tiết nắng nóng. Đặc biệt, cần lưu ý nhắc bé uống đủ nước để tăng sức đề kháng.
Bên cạnh vùng tai mũi –họng, các tác nhân cũng có thể tấn công vào não - màng não từ đường tiêu hóa. Do vậy, cần bảo đảm vệ sinh ăn uống cho bé, như rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, các tác nhân gây viêm não từ đường ruột có thể tồn tại trong đồ chơi, sàn nhà... Vì thế, ngoài việc ăn sạch, uống sạch, phải bảo đảm đồ chơi sạch và sàn nhà không bị nhiễm bẩn, vì các bé hay chơi đùa ở sàn nhà và có thói quen ngậm đồ chơi.
Bệnh não – màng não còn có thể do các tác nhân gây bệnh qua đường muỗi chích (đốt), vì vậy, mẹ nên cho bé ngủ mùng (màn), diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) khu vực trong và xung quanh nơi ở...
Khi có điều kiện, nên cho bé chủng ngừa (tiêm phòng) đúng theo lứa tuổi các loại vắc-xin gây bệnh như viêm não Nhật Bản, viêm màng não do HIB, phế cầu hay não mô cầu...
Một số bệnh có thể gây co giật, ảnh hưởng đến não như tiêu chảy, nôn ói gây mất các chất điện giải, cần bù nước đúng. Bé bệnh thông thường nhưng ăn kém có thể làm hạ đường trong máu và ở mức nào đó cũng ảnh hưởng đến não, gây co giật, hôn mê, cần cho bé ăn đủ năng lượng, tránh hạ đường huyết.
BS Trương Hữu Khanh
Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)