Hen phế quản (suyễn) là bệnh lý hô hấp mạn tính nhưng sẽ không ngăn cản bé có cuộc sống năng động và tích cực nếu cha mẹ biết quản lý. Điều quan trọng nhất là tránh các yếu tố làm bệnh khởi phát, hiểu biết về bệnh, cách điều trị cũng như điều chỉnh lối sống sinh hoạt có thể giúp bé.
Chẩn đoán suyễn ở bé rất khó khăn
- Trong 5 năm đầu đời, ít nhất 1 trong 7 bé sẽ khò khè ở một số thời điểm.
- Để đánh giá bé có mắc bệnh không, các bác sĩ cần phải đo lưu lượng đỉnh. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được sử dụng ở bé lớn, không thích hợp và không đủ tin cậy ở bé dưới 6 tuổi.
- Các triệu chứng bệnh diễn tiến theo thời gian sẽ cho thấy bé có bị suyễn hay không. Vì vậy, bác sĩ chỉ có thể yêu cầu cha mẹ ghi nhận các triệu chứng của bé và khi nào chúng xảy ra.
- Bé dưới 2 tuổi càng khó khăn hơn để nói bé có bị suyễn hay không. Có rất nhiều bệnh khác như: viêm tiểu phế quản cấp tính, viêm phế quản khò khè cũng làm bé khò khè.
Bé sẽ tiếp tục bị suyễn?
Một số bé bị suyễn sẽ mất dần triệu chứng theo thời gian khi chúng lớn lên. Một số khác thấy triệu chứng trở nên nhẹ hơn. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy các tổn thương ở đường dẫn khí không biến mất và triệu chứng suyễn có thể xuất hiện trở lại sau này.
Những yếu tố khởi phát cơn suyễn
Một số yếu tố sau có thể gây khởi phát suyễn ở bé:
- Thú nuôi.
- Không khí ô nhiễm: khói thuốc lá, bụi, khói thải từ xe cộ, nhà máy.
- Cảm lạnh và nhiễm siêu vi.
- Thay đổi cảm xúc: căng thẳng, lo âu, buồn phiền.
- Vận động, tập luyện thể thao.
- Dị ứng thức ăn, thuốc.
- Con mạt (bọ) nhà.
- Nấm, phấn hoa.
- Thay đổi thời tiết.
Không thể tránh hoàn toàn các yếu tố khởi phát, nhưng khi xác định được tác nhân gây ra cơn suyễn cho bé thì bạn đã có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng suyễn của bé và giúp kiểm soát suyễn tốt hơn.
BS.CK1 Nguyễn Hữu Thụy Vy
BV Nhi đồng 2 (TP.HCM)