Nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh mà các bé thường dễ mắc phải nhất, trung bình một bé phải đến thăm bác sĩ khoảng 1 lần/tháng vì bị nhiễm khuẩn hô hấp. Vậy bệnh nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh gì?
Nhiễm khuẩn hô hấp là tình trạng một hoặc một số cơ quan thuộc hệ hô hấp bị viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc siêu vi gây ra. Nhiễm khuẩn hô hấp gồm hai loại:
Nhiễm khuẩn hô hấp trên: Viêm mũi, viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm xoang.
Nhiễm khuẩn hô hấp dưới: Viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm phổi.
Nếu không điều trị kịp thời, bé có thể bị suy hô hấp, viêm phổi nặng. Ảnh minh họa.
Vì sao bé dễ nhiễm bệnh?
Các bệnh nhiễm khuẩn thường phát triển mạnh nếu gặp những yếu tố thuận lợi, như môi trường sống thiếu vệ sinh, sự thay đổi thời tiết... Bệnh cũng rất dễ xảy ra ở những trẻ bị suy dinh dưỡng vì có sức đề kháng yếu.
Làm sao biết bé bị nhiễm khuẩn hô hấp?
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi bé bị nhiễm khuẩn hô hấp là bé bị sốt, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, ho. Những bé lớn thường than đau họng khi nuốt. Nặng hơn, có bé bị khò khè, nhịp thở nhanh. Nếu bệnh trở nặng, bé có thể có dấu hiệu thở co rút lồng ngực.
Nếu không điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến tình trạng gì?
Bé có thể bị suy hô hấp, viêm phổi nặng. Tình trạng bệnh kéo dài sẽ dẫn đến bé bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của bé.
Cha mẹ cần làm gì?
Khi bé bị nhiễm khuẩn hô hấp, cha mẹ cần lưu ý cho bé uống thuốc đúng liều, đúng giờ theo lời dặn của bác sĩ, ngoài ra, cần lưu ý giữ ấm cho bé, tránh cho bé bị lạnh và không để quạt thổi trực tiếp vào người bé. Khi bé bị sổ mũi, nghẹt mũi, cha mẹ nên thường xuyên hút mũi cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Việc vỗ lưng cũng rất có ích cho việc làm long đàm, giúp giảm cơn ho của bé.
Về dinh dưỡng, mẹ nên lưu ý cho bé dùng các món lỏng, dễ tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng, không nên kiên khem quá mức, cũng không nên ép bé ăn quá sức.
Khi nào nên đưa bé đến bác sĩ?
Theo BS.CK1 Trần Mỹ Loan, cha mẹ cần lưu ý là không nên quá hoảng hốt khi con mới ho hen vài tiếng hoặc sổ mũi nhẹ. Trừ trường hợp bé số cao thì cần được đưa ngay đến bác sĩ. Những bé mới có dấu hiệu ho, sổ mũi hoặc sốt nhẹ vẫn có thể được cha mẹ tự điều trị tại gia đình bằng các biện pháp dân gian như: trị ho bằng tần dày lá, tắc chưng đường phèn… hạ sốt bằng cách lau mát cho bé.
Nếu sau hai ngày điều trị bằng các biện pháp dân gian trên mà bệnh không đỡ hoặc trở nặng hơn thì cha mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để có hướng xử trí thích hợp. Cần lưu ý là không nên tự ý mua và cho bé sử dụng kháng sinh. Chỉ có các bác sĩ mới biết chính xác bé cần dùng loại thuốc nào, cách sử dụng ra sao để mau hết bệnh và tránh được nguy cơ bị lờn thuốc, nguy hiểm cho sức khỏe của bé.
Quang Huy