Không phải bé nào cũng lớn lên khỏe mạnh và phát triển trí tuệ tốt. Một số bé rơi vào vòng tròn bệnh lý “Ốm yếu – Lười ăn – Chậm lớn – Suy dinh dưỡng - Ốm yếu”, khiến cha mẹ đau đầu.
Bé hay bị ốm do đâu?
Bé được sinh ra đủ tháng (38 - 42 tuần), có cân nặng lúc sinh từ 2.500g trở lên và không có bệnh tật bẩm sinh gì. Khi chào đời, bé được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và được tiêm chủng đầy đủ. Như vậy, từ khi còn là bào thai đến khi được 6 tháng, ngoài miễn dịch nhận được qua sữa mẹ, bé lại nhận được miễn dịch qua tiêm chủng. Nếu tất cả các yếu tố trên không được thực hiện, bé dễ có nguy cơ ốm yếu.
Sau 6 tháng đầu đời là giai đoạn có nhiều thay đổi, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Bé đã biết ngồi, bò, đứng vững và đi nên sẽ giao tiếp với môi trường nhiều hơn. Răng bé đã bắt đầu mọc nên bé có thể bị sốt, chảy dãi nhiều và lười ăn trong những lúc mọc răng. Những biến đổi bất thường của khí hậu và sự ô nhiễm của môi trường sống như khói, bụi bẩn, ẩm thấp cũng làm cho bé dễ bị ốm. Thêm vào đó, nếu bé không được giữ ấm phù hợp với thời tiết lúc quá lạnh hoặc quá nóng, lúc ra nhiều mồ hôi… bé sẽ dễ bị ho, chảy nước mũi, dẫn đến nhiễm khuẩn hô hấp. Cũng có bé được cha mẹ giữ gìn quá, không cho tiếp xúc với môi trường vì sợ bẩn, sẽ không giúp bé tăng cường được miễn dịch cho cơ thể, sức đề kháng giảm làm bé dễ bị ốm.
Dinh dưỡng phù hợp nâng cao thể chất
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao thể chất, sức đề kháng cho cơ thể bé. Vì vậy, khi bé bắt đầu ăn dặm, cha mẹ cần cho bé ăn bổ sung hợp lý theo độ tuổi, đầy đủ 4 nhóm thực phẩm để bé phát triển khỏe mạnh. Ngược lại, chế độ ăn không phù hợp, điều kiện vệ sinh kém, bé dễ bị tiêu chảy và lười ăn, rồi sụt cân, có khi rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng.
Để bé không bị rơi vào vòng tròn bệnh lý “Ốm yếu – Lười ăn – Chậm lớn – Suy dinh dưỡng - Ốm yếu”, bé phải được chú ý chăm sóc ngay từ khi còn trong bụng mẹ, khi ra đời phải được chăm sóc toàn diện, từ nuôi dưỡng đến môi trường sống để đảm bảo cho bé phát triển tốt cả thể lực và trí tuệ. Ngoài ra, khi thấy bé có dấu hiệu bất thường như ho, sốt, chảy mũi, tiêu chảy…, cha mẹ cần cho bé đi khám chuyên khoa nhi sớm để được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, dứt điểm.
BS.CK1 Phạm Thị Thục
Nguyên trưởng Phòng khám Nhi, BV Bạch Mai