Các cơ thành bụng còn yếu nên bé thường rặn trong khi đi tiêu, làm cho mặt bé đỏ lên. Do đó, nếu bé cho ra phân mềm chỉ sau vài phút rặn thì bé hoàn toàn không bị táo bón.
Với những bé dưới 1 tuổi, “thành quả đạt được” thường có hình dạng giống những viên bi tròn, nhỏ và trông có vẻ cứng. Cha mẹ có thể lo ngại rằng bé bị táo bón nếu thấy bé trông như đang rặn rất “cực khổ”, đôi khi bé bật khóc khi đang cố gắng rặn. Số lần đi tiêu sẽ ít hơn bình thường, nghĩa là bé đi mỗi 1 hoặc 2 ngày so với thói quen bình thường trước đó (là 3 - 4 lần/ngày).
Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý, vì ở lứa tuổi này, các cơ thành bụng còn yếu nên bé thường rặn trong khi đi tiêu, làm cho mặt bé đỏ lên. Do đó, nếu bé cho ra phân mềm chỉ sau vài phút rặn thì bé hoàn toàn không bị táo bón.
Khi lớn hơn, nếu bé kêu đau khi đi tiêu, hoặc đi ít hơn bình thường thì rất có thể là bé đang bị táo bón. Tình trạng này chỉ xảy ra với những bé mà bình thường, đi tiêu 1 - 2 lần/ngày nhưng đã 2 ngày rồi mà bé vẫn chưa đi. Còn với bé mà bình thường 2 ngày mới đi một lần và phân mềm vừa phải, không khó đi hoặc không gây đau hậu môn thì không phải là táo bón.
Có bé bị táo bón vì nín nhịn, không chịu đi vì một số lý do, có khi khá bất ngờ:
- Bé trì hoãn việc đi tiêu nếu nơi đó khiến bé không cảm thấy “thoải mái”, hoặc có khi vì bé “bận” (như mải chơi) và bỏ qua nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh.
- Khi đi tiêu, bé có thể bị đau do rách hậu môn khiến bé quyết định nín luôn để tránh bị đau hơn.
Vì vậy, nếu cha mẹ “bỏ quên” bé thì bé sẽ dễ dàng bị rơi vào vòng luẩn quẩn của táo bón: Nín nhịn đi tiêu khiến phân càng ở lâu trong cơ thể, càng lớn và khô cứng hơn, khiến bé phải gắng sức hơn trong những lần sau, có khi gây rách hậu môn, làm bé bị đau và chảy máu. Thế là bé lại càng sợ đi tiêu và quyết định nín nhịn nhiều hơn khi có nhu cầu. Cứ thế, tác hại của vòng luẩn quẩn này ngày càng lớn và cuối cùng, khối phân đóng cứng trong trực tràng lớn dần lên, bé không thể giữ được nữa nên làm són phân ra quần (“ị đùn”). Điều này khiến bé thực sự xấu hổ và sợ hãi nên sẽ thu mình lại, không tham gia các hoạt động trường lớp như các bạn cùng lứa.
ThS.BS Hoàng Lê Phúc
Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 1, TP.HCM