Tình trạng sức khỏe của bé, ngoài những dấu hiệu thường thấy còn được thể hiện qua phân mà bé thải ra. Để phát hiện kịp thời những thay đổi và bệnh lý trong cơ thể bé, cha mẹ nên theo dõi việc đi tiêu của bé hằng ngày.
Dựa trên số lần đi tiêu, kích thước, độ đặc và màu sắc của phân cùng các triệu chứng đi kèm, cha mẹ có thể phát hiện kịp thời bệnh của bé.
- Đối với bé sơ sinh, nếu không đi tiêu phân su trong vòng 48 giờ, cần phải mang bé đi khám ngay.
- Nếu phân nhỏ như lõi bút chì: Có thể bé bị hẹp hậu môn (đối với các bé nhỏ), hoặc u bướu chèn ép (đối với bé lớn).
- Phân khô, cứng: bé bị táo bón.
- Phân màu xanh sẫm, hơi nhầy: bé đang bị rối loạn tiêu hóa.
- Phân loãng, màu vàng nhạt, không có chất nhầy, bé đi tiêu nhiều lần/ngày: có thể bé bị lạnh bụng.
- Phân lỏng toàn nước và đi tiêu quá nhiều lần/ngày: Bé bị ngộ độc thức ăn hoặc tiêu chảy.
- Phân màu trắng đục, lỏng, đi nhiều lần trong ngày kèm theo nôn trớ: bé có thể bị bệnh tả.
- Nếu phân bạc màu, hoặc màu vàng nhạt hay trắng như phân cò, trắng như phấn: có thể bé bị tắc mật hoặc viêm gan, u mật nặng. Cha mẹ phải đưa bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu da bé vàng, đi tiêu phân trắng, dù bé bụ bẫm và tăng cân tốt, có thể bé bị teo đường mật, cần phải mổ sớm trước 3 tháng tuổi.
- Phân đen như hắc ín hoặc nhựa đường kèm mùi hôi, khắm: bé bị xuất huyết, chảy máu đường tiêu hóa.
- Tiêu ra máu đỏ tươi:
+ Nếu bé rặn, tiêu ra phân lớn, cứng, có kèm hoặc không kèm đau hậu môn, máu chảy ra sau phân hoặc bao xung quanh phân, hoặc nằm phủ trên bãi phân: bé bị nứt hậu môn do táo bón. Cha mẹ cần vệ sinh vết nứt (không vạch ra xem nhiều lần) để vết nứt tự lành.
+ Nếu máu trộn lẫn với phân hoặc ra sau phân nhưng phân mềm, bé không phải gắng sức khi đi tiêu: bé mắc bệnh polyp hoặc u đường ruột.
+ Nếu bé tiêu phân lỏng có kèm máu (tiêu đàm máu): bé bị bệnh kiết lỵ, phải đi khám để bác sĩ kê thuốc kháng sinh thích hợp.
BS Lê Hoàng Phúc
Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi đồng 1, TP.HCM