Táo bón là bệnh hay gặp ở các bé. Tuy nhiên, nếu bệnh của bé chỉ ở mức khởi đầu, cha mẹ không cần vội cho bé dùng thuốc mà có thể tận dụng các phương pháp dân gian từ cây cỏ xung quanh để hỗ trợ cho bé.
Muốn giúp bé thoát khỏi những khó chịu do táo bón, chúng ta cần tìm hiểu rõ nguyên nhân phát sinh táo bón để chữa trị tận gốc. Ngoại trừ một số bé bị bẩm sinh như ruột dài hay bất thường ở hậu môn, đa số các bé bị táo bón do chế độ ăn và thói quen không đi tiêu đều đặn. Do đó, điều trị táo bón đa phần là thay đổi thói quen ăn uống và thói quen đi tiêu.
Nếu bé bị táo bón do ăn ít chất xơ, nhịn đi tiêu, uống ít nước…, cha mẹ cần giúp bé thay đổi cách sinh hoạt, thay đổi chế độ ăn, uống đủ nước, tập luyện thể dục thể thao, tạo thói quen đi tiêu đều đặn.
Một số gợi ý cho cha mẹ trong việc thay đổi chế độ sinh hoạt cho bé
- Muốn bé ăn nhiều rau, trái cây, cha mẹ phải giới thiệu món ăn thật lôi cuốn, chế biến món ăn cũng thật hấp dẫn, nhiều màu sắc. Ngay từ khi bé tập ăn dặm, cha mẹ cần tập cho bé thói quen ăn rau củ, trái cây. Bên cạnh đó, bản thân cha mẹ, người thân trong gia đình phải cùng thực hiện tốt thói quen ăn rau xanh và trái cây mỗi ngày để cho bé làm theo.
- Tập cho bé thói quen đi tiêu hằng ngày, tốt nhất là cùng thời điểm, ví dụ như sáng sớm, hay sau khi ăn chiều…
- Nhắc nhở bé uống nước thường xuyên.
- Xoa bụng để kích thích nhu động ruột cũng là một cách tránh táo bón đặc biệt đối với các bé.
Các thức ăn giúp nhuận tràng
- Các loại rau: Rau đay, mồng tơi, rau khoai lang, rau má, rau cải trắng, rau cần, rau càng cua, đậu bắp,…
- Trái cây: Đu đủ, thanh long, bưởi, cam quýt, thơm (dứa),…
- Củ quả: Củ cải trắng, bí đỏ, dưa leo, khoai lang nghệ, khoai tây cả vỏ, khoai mỡ…
- Ngũ cốc: Mè, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen cả vỏ, gạo lức…
- Các loại khác: Hạt é, rau câu, sương sâm, sương sáo…
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh
Trưởng khoa Dịch vụ 1, BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM)