Từ khi cất tiếng khóc chào đời, những thiên thần bé nhỏ của chúng ta đã phải vượt qua biết bao "cửa ải", từ những bước đi chập chững, những chiếc răng bé xíu mọc lên, những tiếng bi bô gọi ba gọi mẹ đến khi viết và đọc được những con chữ đầu tiên, rồi lớn hơn khi trở thành những chàng trai, cô gái biết yêu biết giận hờn… Những khó khăn ấy rồi sẽ qua cùng với sự đồng hành, sẻ chia của các bậc làm cha mẹ.
Những câu chuyện, kỷ niệm xoay quanh việc giáo dục 3 cậu con trai của nhà báo Trần Mai Anh – người mẹ của chú lính chì Thiện Nhân trong chương trình tọa đàm “Cùng con vượt qua những khó khăn đầu đời” đã để lại nhiều ấn tượng và là những kinh nghiệm bổ ích cho mỗi bậc phụ huynh.
Sau đây là 5 cách dạy con vô cùng độc đáo và ý nghĩa mà người mẹ đặc biệt của chú lính chì Thiện Nhân đã chia sẻ:
1. “Trong gia đình, mình đừng bao bọc con quá”
Nhiều cha mẹ thường cố gắng bảo bọc con trong một môi trường ngọt ngào, an toàn và vô trùng. Nhưng trên đời này đâu thể có một nút bấm, để mình tác động được đến mọi môi trường xung quanh? Vì vậy, trong gia đình, tôi không bao giờ bao bọc con quá. Tôi để con có “sức đề kháng” ngay từ trong gia đình, như vậy, đến khi ra ngoài, với nhà trường, xã hội, con sẽ có sự mạnh mẽ cần thiết, con biết về tất cả những gì đang diễn ra ở ngoài kia: rằng cuộc đời này không chỉ có điều tốt, mà còn có cả những góc khuất.
Nhà báo Trần Mai Anh trong buổi tọa đàm “Cùng con vượt qua những khó khăn đầu đời”
2. “Khó khăn nhất trong giai đoạn đầu đời của trẻ là việc cho con đối diện với sự thật”
Đối diện với sự thật là bao gồm các việc: Không bắt con giấu đi lỗi lầm, không bắt con làm những điều con không thích. Khuyến khích con có chính kiến và đặc biệt không bao giờ được nói dối. Một đứa trẻ không nói dối sẽ biết được trách nhiệm trong mỗi hành động mình làm ra. Không phải ai trong chúng ta cũng có gan “dám làm dám chịu”, nên tôi cho đó là điều cần thiết. Để từ đó, con sẽ tự tin, có khả năng chịu trách nhiệm với lời mình nói và sống vững vàng trong cuộc đời.
3. “Cãi cọ xô xát cũng phải có luật”
Có người hỏi tôi có đến 3 cậu con trai trong nhà, thì các con có hay nghịch ngợm, cãi nhau, đánh nhau không. Tôi thường dạy con rằng: “Khi lớn lên, vợ chồng cũng có thể bỏ nhau, bạn bè cũng có thể lúc thích lúc không, có người đi được với mình tiếp hoặc dừng lại. Nhưng có một điều không bỏ được là anh em trong gia đình. Vì vậy, anh em trong nhà phải chấp nhận những tính xấu của nhau, phải làm sao tìm được cách để dung hòa những điều người kia còn chưa tốt”. 3 đứa con của tôi không bao giờ cãi cọ mà luôn yêu thương, đùm bọc nhau. Cãi cọ, xô xát cũng phải có luật.
4. “Không có chuyện con được điểm 10 là nhận thưởng”
Có nhiều gia đình sẽ thưởng quà khi con được điểm cao. Gia đình tôi thì không. Vì tôi giáo dục con rất rõ ràng: nhiệm vụ học là của con. Con có nghĩa vụ phải học, giống như nghĩa vụ của mẹ là đi làm. Nên nếu con được điểm cao, đó cũng là điều hết sức bình thường, không có gì tự hào để mà khoe cả. Tôi đã dạy con về sự công bằng trong cuộc sống như thế đấy.
5. “Một khi đã phải làm việc gì, tốt nhất hãy làm trong tâm thế thanh thản và chủ động”
Mọi người hay hỏi, vì sao Nhân hay phải đi khám bệnh, đi tiêm, nhưng Nhân không bao giờ khóc. Đó là do ngay từ khi Nhân còn nhỏ, chỉ mới 2 tuổi, khi con mới bắt dầu nhận thức được, tôi đã nói chuyện rất thẳng thắn với con: Đi tiêm sẽ đau, nhưng con có khóc thì cũng vẫn phải tiêm, con có giãy cũng vẫn phải tiêm. Vì vậy, một khi đã phải làm việc gì, tốt nhất hãy làm trong tâm thế thanh thản và chủ động, để nhanh chóng thoát ra khỏi việc đấy, cũng như giảm bớt rủi ro và đau thương trong quá trình diễn ra.
Tôi không bao giờ dọa con “Bác sĩ kìa ghê lắm, sợ lắm”, và trước khi làm bất cứ một việc gì tôi cũng nói với con quá trình việc đó diễn ra như thế nào, không bao giờ để con bất ngờ, và đó cũng là một trong những việc tôi giúp con “đối diện với sự thật” như đã nói lúc đầu.
Văn Tú ghi