Bé chỉ ăn nhanh khi nào cùng thi đua với bạn, hay bữa ăn có món khoái khẩu, mà bé vô cùng ưa thích – đó chính là cánh gà hay đùi gà rán.
Con gái tôi 7 tuổi, rất lười ăn, chỉ chấm mút một tí thức ăn, rồi đòi chan canh cho dễ nuốt hết bát cơm, khiến cho thân thể bé đúng thật là “mình hạc sương mai”.
Tôi đã tìm mọi biện pháp kích thích ăn cho bé. Tôi đã thử từ thuốc cam Hàng Bạc, hay đổi bữa liên miên, rồi roi vọt, rồi dỗ dành, rồi đổi tay nuôi bé. Thế mà, đâu vẫn hoàn đấy. Bé chỉ ăn nhanh khi nào cùng thi đua với bạn, hay bữa ăn có món khoái khẩu, mà bé vô cùng ưa thích – đó chính là gà và những sản phẩm của gà. Món bé đặc biệt thích là cánh gà hay đùi gà rán. Gặp phải những hôm như vậy, nhìn bé ăn thật thích mắt. Bé chăm chú từ đầu đến cuối bữa, ôm gọn đĩa cánh gà rán vào lòng, và gặm đến cái xương cuối cùng…
Cả nhà rất vui và hạnh phúc nhìn bé ăn, bởi có phải ngày nào bé cũng ăn ngon miệng thế đâu? (Ảnh minh họa).
Mới đầu, cả nhà vui thích nhìn bé ăn, và sẵn sàng nhường hết đĩa cánh gà rán cho bé, bởi có phải ngày nào cũng được yên ả như vậy? Không mẹ la thì bố quát, bởi ngâm nga đến hàng giờ mà mâm cơm vẫn chưa thể dọn được. Thế là, những bữa ăn có cánh gà rán có mặt nhiều hơn trong tuần, và mẹ bé cũng đỡ phải lo lắng ăn gì mỗi khi đi chợ và có thời gian để xuống sân tập thể dục cùng bạn bè.
Cho đến một ngày, giật mình nhìn lại, chúng tôi chợt nhận ra rằng, khi nhường cho bé ăn như vậy, chúng tôi đã phạm phải một sai lầm lớn. Chỉ vì muốn nhàn thân, chúng tôi đã tạo cho bé một thói quen xấu – bé trở nên ích kỷ, hay đòi hỏi và không quan tâm đến người khác. Ý muốn của bé là duy nhất, bé không chịu ăn bất cứ gì khác, và bé liên miên bị táo bón, bởi không chịu ăn chút rau nào. Cân nặng cũng chẳng nhích được lạng nào, mà sức khỏe bé thì lại có chiều hướng xấu đi. Nghiêm trọng nhất, vẫn là tính tham ăn. Bé tham lam giành những gì mình ưa thích, không chia sẻ, nhường nhịn… Đó sẽ là một kết cục xấu, tạo nên một nhân cách không hoàn chỉnh và bé sẽ rất khó kết bạn, nếu còn giữ thói quen đó.
Nhận ra những hệ lụy sẽ tới, vợ chồng tôi bàn nhau phải thay đổi cách ứng xử. Âu cũng là một cách dạy bé biết suy nghĩ và thuần hậu, và cũng từ đó, dạy bé ăn uống điều độ, đủ chất, và biết thích nghi với mọi hoàn cảnh ngay từ những bữa ăn trong gia đình. Hằng tuần, tôi dành thời gian tính toán các món ăn sao cho phong phú và ngon miệng, có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng. Đĩa cánh gà rán chỉ được phép xuất hiện 2 lần một tuần, và vẫn chỉ với số lượng như cũ, nhưng xác định rất rõ ràng, đây là món ăn của cả nhà, và bé chỉ là một thành viên như những thành viên khác trong gia đình, không có thiên vị và cũng không được đòi hỏi. Chúng tôi luôn rủ rỉ phân tích cho bé thấy, sự cần thiết của việc quan tâm đến người khác, ngay từ việc ăn uống phải biết nhường nhịn, và biết sẻ chia những của ngon vật lạ, biết dành những phần ngon lành nhất cho người lớn hơn, như ông bà, bố mẹ.
Tưởng rằng, việc chia sẻ đĩa cánh gà rán sẽ khó khăn lắm, bởi bé tương đối bướng bỉnh, và không dễ gì nhường món ăn ưa thích cho cả nhà. Thế nhưng, chỉ sau một tháng điều chỉnh thực đơn và nhờ những lời giải thích ôn hòa và hợp lý, bé đã giảm hẳn tính đành hanh, biết gắp mời người lớn, biết chia sẻ đĩa cánh gà cùng ông bà cha mẹ và sau đó, là biết tìm những quần áo đã chật để gửi cho trẻ em nghèo. Vẫn biết rằng, bé ghi nhớ mọi lời nói của cả nhà, nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ, khi bé hiểu và chấp hành những quy định mới một cách dễ dàng.
Thế mới biết, tâm hồn thơ trẻ đầy thiện tâm, bạn chỉ cần khuyến khích cho phần thiện tâm ấy có cơ hội phát triển. Bạn chỉ cần xác định đúng mục tiêu cần đạt tới, qua những việc làm nhỏ, gương mẫu và xác đáng. Bé sẵn sàng nghe lời bạn, nếu những lời nói và việc làm của bạn đi đôi với nhau, và lời giải thích tỉ mỉ, thỏa đáng của bạn sẽ không hề vô ích, bởi có như vậy, bé mới cảm thấy thỏa mãn khi đáp ứng yêu cầu của bạn.
Nguyệt Anh