Khi trẻ em làm sai, chúng sẽ rất sợ hãi khi đứng trước mặt chúng ta, đợi chờ sự trừng phạt của chúng ta. Mỗi một câu nói, mỗi một hành động, thậm chí là những biểu hiện trên nét mặt của chúng ta, đều sẽ là những nhân tố ảnh hưởng đến trẻ em.
Có 3 đứa trẻ chơi trong rừng, do sơ ý nên đã bị rách quần. Đối diện với đứa con của mình cùng ống quần bị rách và khuôn mặt thấp thỏm sợ hãi, người mẹ thứ nhất tát thẳng tay, cộng thêm những lời trách mắng, sau đó vẫn không quên nghiêm khắc cảnh cáo đứa trẻ: “Lần sau không được phép vào rừng chơi nữa!”. Người mẹ thứ 2 không đánh cũng không mắng, lặng lẽ vá lại vết rách trên ống quần cho con, và để lại một vết sẹo trên ống quần. Người mẹ thứ 3 an ủi: “Không sao, có đứa trẻ nào mà không ham chơi đâu, bố con hồi còn trẻ còn nghịch hơn cả con ý.” Người mẹ này còn lấy chỉ màu, thêu lên chỗ rách một bông hoa.
Cùng một vấn đề, nhưng 3 biện pháp giải quyết khác nhau của 3 người mẹ đã dẫn đến 3 kết quả khác nhau: Người mẹ thứ nhất khiến cho trẻ cảm thấy sợ hãi và thất vọng, đứa trẻ không còn cách nào khác là sống trong sự quản chế của mẹ. Người mẹ thứ 2 không có gì đặc biệt, đứa trẻ sẽ học được cách thuận theo hoàn cảnh tự nhiên. Còn người mẹ thứ 3 là một người mẹ ưu tú trong cách giáo dục, bà đã dùng một bông hoa để khơi dậy trí tưởng tượng của con, nụ cười của người mẹ này khiến cho đứa trẻ học được sự khoan dung, khiến cho nó giữ được sự tự tin và sức sáng tạo.
Có lẽ, trong chúng ta, ai ai cũng đã từng có những trải nghiệm này, nếu như con làm bẩn quần áo thì có rất nhiều bà mẹ có phản ứng đầu tiên là đánh trẻ, sau đó nói với chúng: “Con làm như này là không đúng, lần sau không được làm như thế nữa!” Kỳ thực, nếu chúng ta có thể khoan dung hơn, khích lệ chúng hơn thì sẽ khiến chúng tự tin hơn.
Hiện tại, trong xã hội này, người mẹ thứ nhất có không ít, người mẹ thứ 2 không có nhiều, và ít nhất là người mẹ thứ 3.
Bạn sẽ là người mẹ nào?
Theo NTDTV (Thiên Minh biên dịch)