Phòng của Bin ngổn ngang như một “bãi chiến trường”, sách vở leo lên giường, quần áo chui xuống tận gầm tủ. Dù mẹ thường xuyên nhắc nhở nhưng tình hình không cải thiện được mấy.
Mỗi sáng dậy là Bin lại chạy cuống cuồng tìm hết thứ này sang thứ khác. Nhiều lúc ra đến cửa rồi lại còn quay vào. Mẹ bảo Bin sau này không biết có thành bác học không nhưng đã có “một nửa” của bác học: “Đãng trí”.
Thay vì mỗi ngày 5 phút để sắp xếp lại căn phòng, đừng để mất ba giờ mà không hiệu quả. Ảnh minh họa.
Đợt nghỉ lễ vừa rồi, Bin quyết định “tổng tấn công”, thu dọn căn phòng của mình. Bin muốn chứng minh với mẹ là vẫn có những bác học gọn gàng mà không đãng trí. Sau ba tiếng đồng hồ lao động quần quật, mồ hôi nhễ nhại thì Bin đã hoàn thành công việc của mình. Bin tự hào mở cửa mời mẹ “tham quan” và nhân tiện đánh giá công lao của mình. Công nhận là có dọn có khác, căn phòng như rộng hẳn ra. Đồ đạc linh tinh bỗng biến mất, giống như có phép màu. Mẹ cười không nói gì, không chê mà cũng không khen làm Bin chưng hửng và muốn khóc. “Mình đã cố vậy mà mẹ còn chưa hài lòng, thật chẳng biết làm sao nữa!”
Tối hôm đó, Bin vào ngồi học bài thì không thấy hộp bút. Sốt ruột vì không biết mình đánh mất hay ai cầm nhầm, Bin vừa khóc vừa đổ thừa cho “ai đó”. Sau một hồi lục lọi, Bin mới nhớ ra hôm nay dọn phòng, Bin đã tống hết vào cái thùng ở góc nhà. Vậy là Bin phải đổ hết thùng đồ ra và tìm kiếm. Để tìm thấy “công cụ lao động”, Bin phải bới tung đống đồ lên, công cốc cả buổi chiều lao lực.
Bây giờ mẹ mới nhẹ nhàng bảo: Để phòng ở rộng rãi và ngăn nắp, không phải dồn hết đồ vào một góc là xong. Đồ dùng phải để vào những nơi quy định, hằng ngày dùng xong để vào chỗ của nó, như vậy sẽ thuận tiện khi mình cần. Những thứ không cần thiết thì phải mạnh dạn “thanh lý”. Cái nào còn dùng được thì cho ai đang cần hay gói gọn để tham gia làm kế hoạch nhỏ, những thứ không dùng được thì vứt đi. Nhất là mớ giấy loại mà con hay gấp máy bay hay vẽ lung tung khi rảnh rỗi. Mấy cây bút hết mực để lẫn vào hộp bút khiến cho ta bực mình cũng phải cho vào “dĩ vãng”.
Dọn nhà không phải chờ đến lúc bừa bộn không chịu nổi hay không còn chỗ đặt chân mới làm. Hằng ngày, chỉ cần để ý một chút là mọi đồ vật sẽ đâu vào đấy. Thay vì mỗi ngày 5 phút để sắp xếp lại căn phòng, đừng để mất ba giờ mà không hiệu quả. Tủ quần áo được phân loại, đồng phục riêng, đồ đi chơi riêng và đồ thường mặc ở nhà để vào một nơi dễ lấy. Giá sách chia làm nhiều ngăn, ghi rõ loại sách nào ở đâu để mình dễ tìm kiếm. Và thậm chí khi ai đó cần, đọc xong dễ biết nơi để lại như cũ. Đống đồ chơi được cho vào mấy cái hộp nhỏ để dễ chọn và không bị mất các phụ kiện, đặc biệt là món đồ chơi Lego yêu thích của Bin.
Thói quen gọn gàng ngăn nắp không phải tự nhiên mà có. Cũng không phải con trai nên luộm thuộm hơn con gái như Bin vẫn hay “bào chữa” cho mình. Quan trọng là mỗi ngày một chút, mình tập dần thói quen để vào chỗ cũ. Chứ nếu làm đâu vứt đó thì dọn cả ngày cũng không thể gọn gàng.
Đi học về, thấy căn phòng thoáng mát và sạch sẽ, mình cũng thấy dễ chịu hơn. Đặc biệt là không mất thời gian để tìm kiếm, nghi ngờ, hoảng hốt và đôi lúc cáu gắt vô cớ.
Từ ngày Bin biết chăm sóc căn phòng của mình, Bin thấy nó gần gũi và đáng yêu hơn. Bây giờ, Bin đã thấy có chút tự hào về mình, là một nhà “bác học” đặc biệt, bác học mà không đãng trí.
Chuyên viên TVTL Võ Thị Minh Huệ