Mỗi đứa trẻ đều có những nét cá tính riêng biệt. Làm sao để giúp bé luôn cảm thấy thoải mái trong mọi tình huống của cuộc sống?
Điều quan trọng là phải đánh thức sự tự ý thức của bé, cố gắng khơi gợi để bé luôn nghĩ về bản thân mình một cách tích cực, và nhớ là: đừng bao giờ phá vỡ suy nghĩ tích cực này trong mắt bé.
Đừng bao giờ phá vỡ suy nghĩ tích cực trong bé (Ảnh minh họa).
1. Hạ thấp bé
Đôi lúc, người lớn luôn tự cho mình quyền được to tiếng với con trẻ, khi không thể tự kềm chế được mình. Một số người lớn thường hay thốt lên: “Con không thể nghĩ được cái gì tốt đẹp hơn à? Cái đầu con để làm gì?”… Cần thấy rằng, khi thốt ra những lời nói tương tự như vậy, chúng ta đã phá vỡ suy nghĩ tích cực về chính bản thân của bé. Hãy nhớ, đừng nóng nảy và đưa ra những lời mang tính chất lăng nhục bé!
2. Dọa nạt bé
Cuộc sống xung quanh bé có rất nhiều điều mới lạ, nhiều thứ cần khám phá, vì thế, đôi lúc, bé có những hành vi không phù hợp. Một số cha mẹ thường nạt bé: “Nếu con còn làm như vậy một lần nữa, con sẽ biết tay mẹ!”… Hãy nhớ, cứ mỗi lần dọa nạt bé, chúng ta đã làm cho bé sợ hãi và căm giận chúng ta. Điều này không có lợi gì cho sự phát triển của bé. Vì thế, không nên trút giận lên đầu bé, nên nhớ là “gieo gì gặt nấy”!
3. Bắt buộc bé hứa hẹn!
Thường, sau khi la mắng bé, người lớn hay bắt bé hứa: “Con hãy hứa là sẽ không bao giờ làm như vậy nữa!”… lẽ dĩ nhiên, bé sẽ lập tức hứa ngay. Thế nhưng, nửa tiếng sau, bé lại lặp lại trò tinh nghịch của mình. Trong tình huống này, nhiều người lớn chúng ta lại nổi giận và la lên: “Con đã hứa với mẹ rồi mà!”. Thật sự lời hứa chẳng có ý nghĩa gì đối với trẻ. Sự hứa hẹn cũng như sự dọa nạt, dường như chẳng liên quan gì đến bé. Nếu bé cảm nhận và cắn rứt vì không làm tròn lời hứa, thì ở bé sẽ phát triển cảm giác hối lỗi. Còn nếu như bé không cảm nhận được điều này thì ở bé sẽ hình thành sự trơ tráo: bé luôn nói một đàng – làm một nẻo.
4. Bảo bọc bé một cách thái quá!
Người lớn luôn muốn bảo bọc bé. Tuy nhiên, sự bảo bọc thái quá sẽ làm bé trở nên yếu đuối. Bé được bảo bọc thái quá thường cho rằng bản thân không thể làm được cái gì nên thân. Nhiều cha mẹ không đánh giá đúng khả năng của con, cho rằng bé không thể tự làm một điều gì cả. Hãy nhớ: Không bao giờ làm cho bé những gì mà bé có thể tự làm được!
Sự phục tùng một cách mù quáng, không có sự thỏa thuận giữa các bên chỉ có ở những con rối. (Ảnh minh họa).
5. Yêu cầu bé lập tức phục tùng!
Bé thường chẳng thích thú gì khi người lớn bắt bé phải lập tức bỏ thú vui của mình để thực hiện yêu cầu của người lớn. Để đảm bảo bé sẽ thực hiện theo yêu cầu của cha mẹ, tốt nhất, bạn nên báo trước với bé: “10 phút nữa chúng ta sẽ ăn trưa!”. Khi đó, bé có thể sẽ mè nheo thêm một lúc: “Ôi, mẹ! Con còn đang chơi!”, nhưng bé hiểu rằng cần phải kết thúc trò chơi để làm một việc khác. Sự phục tùng một cách mù quáng, không có sự thỏa thuận giữa các bên chỉ có ở những con rối. Hơn nữa, sự phục tùng răm rắp không tạo điều kiện để hình thành tính tự lập cho bé!
6. Dung túng bé!
Khi bé luôn được phép làm tất cả những gì mà bé muốn, bé sẽ lập tức cảm nhận rằng, bố mẹ sẽ không dám nghiêm khắc với bé, ngay cả khi bé đã vượt qua những giới hạn cho phép. Bé sẽ cảm nhận được rằng, bố mẹ luôn sợ phải nói “không” với bé. Điều này gieo vào đầu bé sự tin tưởng rằng mọi quy tắc đều có thể co kéo. Cha mẹ không nên đối xử với bé như thể với thượng đế! Bởi vì mọi ý muốn của bé chỉ có thể được đáp ứng trong phạm vi gia đình, nếu ra ngoài xã hội, không phải điều gì bé muốn cũng có thể được, lúc đó, bé sẽ thất vọng, cay đắng. Dung túng bé – có nghĩa là tước mất ở bé khả năng lớn lên và thích ứng với mọi tình huống trong đời sống của con người!
7. Bất nhất!
Một số phụ huynh thường tỏ ra bất nhất trong các hoạt động. Thứ bảy, mẹ cảm thấy vui vẻ, và thế là cho phép cậu con trai phá bỏ tất cả mọi quy tắc. Vào chủ nhật, cậu con trai cũng làm những việc y như vậy, thì mẹ lại trút giận lên đầu bé. Vì thế, các yêu cầu đối với bé cần mang tính liên tục và nhất quán. Bé cần hiểu được bố mẹ, người lớn mong đợi điều gì ở bé. Nhưng cũng đừng yêu cầu những điều không phù hợp với lứa tuổi của bé! Yêu cầu một đứa bé 2 tuổi rưỡi cũng biết vâng lời như một đứa bé 5 tuổi thì chỉ khơi gợi ở bé sự ác cảm đối với người lớn. Yêu cầu ở bé một hành vi chín chắn mà bé chưa có khả năng thực hiện sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tính tự nhận thức ở bé!
Thói quen nói quá nhiều của cha mẹ khiến bé có cảm giác có tội hoặc làm nảy sinh ở bé tính tự ti... (Ảnh minh họa).
8. Thích giáo huấn và nói quá nhiều!
Thói quen nói quá nhiều của một số cha mẹ khiến bé có cảm giác có tội hoặc làm nảy sinh ở bé tính tự ti, đánh giá tiêu cực về bản thân. Bên cạnh đó, người lớn cũng không nên yêu cầu bé phải trả ơn vì những gì mà người lớn làm cho bé. Hãy yêu bé vì chính bản thân bé, không phải vì bé là thiên tài, không phải vì bé đã gặt hái được nhiều thành công…
9. Không tước đoạt của bé quyền được làm trẻ con!
Hãy hình dung: Nếu người lớn chúng ta giáo dục bé nhằm hình thành một mẫu người luôn lặng lẽ, luôn kính trọng người lớn, không bao giờ nổi loạn và vượt qua sự kiểm soát của người lớn, luôn làm tất cả những gì mà người lớn muốn ở bé… Có thể thấy, ở những đứa trẻ này không có cả tình cảm tích cực lẫn tiêu cực đối với bất cứ ai và đối với bất cứ cái gì. Bé là một đứa trẻ sống rất chuẩn mực, rất trách nhiệm, rất cẩn thận và không lừa dối ai. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học cho rằng những đứa trẻ “điển hình” như vậy không phải là những đứa trẻ hạnh phúc. Đây là những đứa trẻ mang mặt nạ. Bé phải giấu “cái tôi’ của mình dưới một lớp vỏ bọc, trong khi bên trong bé luôn có những vấn đề tình cảm nghiêm trọng. Khi giáo dục bé, khi muốn hình thành ý thức kỷ luật cho bé, hãy luôn nhớ rằng, đây vẫn là những đứa trẻ con. Hãy để cho bé được làm trẻ con một cách thật sự. Đừng mong đợi bé sẽ là một người giống như mình, hoặc như mình mong muốn. Hãy giúp bé lớn lên là chính bé.
ThS Lê Thị Thanh Nga
Phó Trưởng khoa GDMN, Trường CĐSPTW TP.HCM