Nhiều ông bố, bà mẹ thắc mắc: dù đã cho con ăn uống đầy đủ, mua nhiều đồ chơi cho con nhưng bé vẫn không thông minh như mong muốn; tại sao bố mẹ giỏi mà con lại chậm; có những cách nào để bé thông minh vượt trội?...
Dinh dưỡng góp vai trò quan trọng
Theo nhiều nghiên cứu, những năm đầu đời là giai đoạn phát triển rất quan trọng của trẻ nhỏ, nhất là não bộ. Giai đoạn này, trí não bé phát triển cực nhanh: 6 tháng đầu đời, não trẻ bằng 50% trọng lượng não người lớn, đến 2 tuổi, con số này là 80%, và bằng 100% từ 6 tuổi trở đi.
Để bé phát huy tiềm năng trí tuệ, cần có nhiều yếu tố tác động tích cực tới sự phát triển não bộ của bé, trong đó, dinh dưỡng là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất. Trong những năm đầu tiên của cuộc đời, chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp số lượng tế bào thần kinh được phát triển và biệt hóa tối ưu. Nếu thiếu các chất dinh dưỡng, bé sẽ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu do thiếu sắt, mắc các rối loạn do thiếu iốt…
Theo BS Vũ Hữu Hùng, Trưởng khoa Nhi - BV Thủ Đức, TP.HCM, mẹ cần bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho bé phát triển não bộ như DHA, Cholin, các vi chất dinh dưỡng như: I-ốt, Sắt, kẽm, vitamin nhóm B…
Các món ăn giàu DHA như các loại hải sản, tim, gan, lòng đỏ trứng… Cholin có nhiều trong thịt, lòng đỏ trứng, gan, thận, đậu tương, mầm lúa mì, cà chua, khoai tây, táo… Kẽm thường có nhiều trong các loại rau xanh; các loại rau, quả thuộc họ đậu, các sản phẩm được chế biến từ bột ngũ cốc nguyên chất và các loại ngũ cốc, thịt đỏ, hải sản…Sắt có trong thịt gia cầm, cá, rau sẫm màu… Vitamin nhóm B có trong các loại thực phẩm khác nhau như khoai tây, chuối, cá ngừ, các loại đậu, các loại hạt, các loại trứng, ngũ cốc và bột yến mạch, nước ép cà chua…
Dạy con khoa học giúp bé thông minh hơn
Theo TS Ngô Xuân Điệp, Bộ môn Tâm lý - ĐH Quốc Gia TP. HCM, có nhiều trò chơi giúp bé phát triển trí thông minh như trò chơi tập suy luận theo các bức tranh, các câu chuyện; tập đánh giá, nhận xét với những câu chuyện, bức tranh, sản phẩm hay tình huống nào đó. Chẳng hạn, khi bé đọc truyện Tấm Cám, mẹ có thể hỏi bé: Tại sao mẹ con Cám lại bắt Tấm phải lựa thóc và gạo riêng rồi mới cho đi hội?
Cha mẹ cũng nên đặt ra các tình huống rồi hỗ trợ con giải thích như: Tại sao cây cần tưới nước mới sống được, tại sao trời sắp mưa lại thường xuất hiện mây đen…? Mặt khác, cha mẹ nên thường xuyên tạo cho bé các trò chơi thông minh, như: Khi dẫn bé đi công viên, bạn có thể hướng dẫn con cách nhận biết các loại cây, các con vật gần gũi với bé; khuyến khích, định hướng cho bé tự tìm ra những điểm khác biệt giữa các sự vật…
Trò chơi xếp hình, lắp ráp cũng giúp bé sáng tạo cao độ. Nên cho bé xếp, lắp các hình khác nhau theo chủ đề và giải thích, bảo vệ quan điểm của mình. Ví dụ như cho bé xếp lâu đài mà bé tưởng tượng ra khi đọc các câu chuyện cổ tích; xếp các ngôi nhà ở thành phố, nông thôn, các đoàn tàu,… và yêu cầu bé giải thích tại sao lại làm như vậy. Trong khi chơi, bé sẽ được kích thích tư duy, rèn khả năng quan sát, tập trung, tưởng tượng… Khi bé hoàn thành công trình của mình, cha mẹ cần khuyến khích, công nhận và động viên bé.
Một điều cần lưu ý là cho bé chơi luân phiên các hoạt động khác nhau để chống nhàm chán, tạo hứng thú cho bé.
Quang Khải