Chia sẻ không xảy ra một cách tự nhiên. Trẻ sinh ra có nhiều tố chất quý giá, nhưng do bản năng tự vệ, sinh tồn nên rất ít trẻ biết chia sẻ. Bé cần được học từ từ, và không thể ép buộc bé chia sẻ nếu đó chưa phải là thói quen.
Con ghét phải làm chị!. Anh Minh sững sờ nhìn cô con gái sáu tuổi của mình đang vừa khóc vừa chạy vào phòng. Anh rất thất vọng vì tính ích kỷ của con. Sao trẻ con bây giờ chỉ biết mình mà không nghĩ đến người khác? Sao chúng không biết chia sẻ với mọi người?
Dạy trẻ chia sẻ ngay từ lúc nhỏ
Với bé, hai từ “chia” và “sẻ” đều tạo cho bé sự hao hụt, mất mát, thậm chí thiệt thòi. Chính vì vậy, bé không tự giác làm việc đó. Ngay từ khi còn nhỏ, bé cần được dạy chia sẻ về vật chất. Khi đưa cho bé một chiếc bánh, bạn đừng đưa nguyên chiếc và nựng con thế này: “Chiếc bánh ngon nhất này dành riêng cho con yêu!”. Hãy bẻ đôi chiếc bánh và đưa cho bé một nửa, một nửa bảo bé mời mình. Rồi sau đó, nếu bé vẫn còn thòm thèm thì bạn sẽ mời bé phần bánh của mình. Bé thấy bạn chia sẻ với bé, bé sẽ không tham lam, ích kỷ và giữ rịt tất cả cho mình.
Bé cần được hiểu cái gì là của chung và của riêng bé. Cái chung sẽ được dùng chung, bé đang được mọi người chia sẻ. Cái gì của riêng bé, bé cũng sẵn sàng chia cho người khác khi cần. Đặc biệt, bạn không nên quát nạt bé khi yêu cầu bé chia bánh kẹo hay đồ chơi cho ai đó. Hãy gợi ý với bé rằng, người khác đang rất cần sự giúp đỡ của bé. “Ôi, mẹ đói bụng quá, ước gì mẹ có cái bánh quy của con nhỉ!”, lúc đó, bé sẽ thấy tầm quan trọng của chiếc bánh đối với bạn và sẵn sàng nhường cho bạn.
Khi bé bắt đầu nhận thức được những gì do bé sở hữu, “của con” và “không phải của con”, bé rất khó chịu khi bị yêu cầu chia sẻ. Bé lo sợ sẽ bị lấy đi một thứ nào đó “của con” trước khi có cơ hội sử dụng. Hãy để cho bé có cảm giác “đã nếm mùi đủ” thì bé sẽ sẵn sàng chia sẻ đồ chơi. Đừng gây cho bé một cảm giác thòm thèm, hồi hộp hay háo hức khi có đồ chơi mới và yêu cầu bé cho bạn mượn. Tốt nhất, nên cho bé được “hưởng quyền sở hữu”, rồi bắt đầu thuyết phục bé chia sẻ với người khác.
Cha mẹ hãy làm gương cho con
Bạn muốn con mình là người biết chia sẻ thì bản thân bạn phải làm gương cho con. Một người bố, người mẹ chỉ biết mình mà không quan tâm đến người khác thì khó lòng mà dạy con chia sẻ. Trong gia đình, mọi người quan tâm, hỗ trợ nhau, bé sẽ thấy việc chia sẻ là đương nhiên và không thấy thiệt thòi.
Bé bắt đầu lớn, bạn cần tâm sự với bé những khó khăn, thuận lợi của công việc, cuộc sống. Có thể hỏi ý kiến của bé, tạo cho bé một cảm giác đặc biệt về vai trò của mình đối với bạn. Bé thấy sự gắn bó của mình với các thành viên trong gia đình, không kể lể công lao của mình với mọi người. Dần dần, bé sẽ coi sự chia sẻ của mình là một việc làm tự nhiên.
… và là người bạn đồng hành cùng con
Không thể ép buộc, tra khảo hay quát nạt khi bé không muốn chia sẻ. Nhiều cha mẹ khi thấy con mệt mỏi, buồn bã là cố gạn hỏi nguyên nhân. Thế nhưng, nếu bé chưa sẵn sàng để nói, hãy im lặng và đặt tay lên vai bé hay nhìn bé với ánh mắt thông cảm. Bé sẽ cảm nhận và sẽ tự chia sẻ.
Không phủ nhận con, hãy để cho bé nói những suy nghĩ của mình. Hãy lắng nghe, ghi nhận và phân tích một cách tích cực, góp ý khi thấy bé đã sẵn sàng nghe, tập cho bé biết chia sẻ kịp thời với người khác, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Điều quan trọng nữa là bạn cần tập cho bé nhận biết dấu hiệu khi người khác cần để bé chia sẻ phù hợp, nếu không, bé sẽ dễ bị lợi dụng và sự chia sẻ của bé không có giá trị.
Một đứa trẻ biết chia sẻ sẽ có nhiều bạn bè và sẽ thuận lợi trong cuộc sống. Biết chia sẻ vật chất cũng như tinh thần sẽ làm tăng thêm chất lượng của cuộc sống mỗi người.
Chuyên viên tư vấn tâm lý Võ Thị Minh Huệ